Lừa đảo khi mua hàng online - Ai mới thật sự là người bị hại?
Nội dung bài viết:
I. Những đánh giá xấu với lí do khó hiểu?
II. Liệu có phải những review của khách hàng lúc nào cũng đúng hay không?
Trong xu hướng chuyển đổi số, kinh tế số, thương mại điện tử đã và đang xây dựng những tiêu chuẩn tín nhiệm nhằm gia tăng niềm tin của khách hàng vào các hoạt động mua bán trực tuyến.
Đây là thời cơ giúp các doanh nghiệp bứt phá và tiếp cận với khách hàng thông qua các kênh thương mại điện tử. Tuy nhiên, những hành vi lừa đảo trên thương mại điện tử là điều đáng quan ngại cho người mua lẫn người bán. Có lẽ bạn sẽ cảm thấy thắc mắc tại sao lại có cả người bán ở đây, vì trước giờ những thông tin lừa đảo chỉ xuất phát từ người bán lợi dụng lòng tin của khách hàng để trục lợi. Thực tế, nhiều người mua hàng đã khiến các chủ shop “đắng lòng”, thậm chí phải rút lui trên sàn thương mại điện tử trong sự uất ức. Để lý giải vấn đề này, Tròn House sẽ đưa các bạn nhìn sự việc ở góc nhìn khác, khi mà người bán trở thành người bị hại.
Những đánh giá xấu với lí do khó hiểu?
Nhiều khách hàng khi đặt hàng không tìm hiểu trước về thông tin sản phẩm, khi nhận được hàng không vừa ý thì bắt đầu khiếu nại, tố shop lừa đảo, bán hàng không chuyên nghiệp. Đây là một trường hợp điển hình, khách không săn được hàng flashsale thế là lại tố “lừa đảo”, tuy chủ shop ngao ngán nhưng lại chẳng biết phải làm thế nào.
Thậm chí có những tình huống còn vô lý hơn khi khách hàng "feedback nhầm": không hài lòng về sản phẩm khác nhưng lại vào trang của shop để khiếu nại. Bạn C chia sẻ tại một group kín trên Facebook: “Chào cả nhà em bức xúc quá ạ. Không hiểu bạn này bạn muốn gì. Bạn ý đặt bên mình 1 chiếc mũ tai bèo bên mình giao đúng hình đúng chất lượng. Mô tả rõ là chất cotton. Không hiểu vì lý do gì quay ra bảo bên mình lừa đảo.... Bạn ý bảo bạn ý mua áo mua móc bị lừa mà không biết ai lừa bạn ý bạn ý gộp luôn vào. Cũng mới tham gia shopee toàn bộ sản phẩm của shop đều đánh giá 5 sao. Lần đầu gặp khách thế này em vừa chat vừa bực run cả người. Mình không chỉ bán online mà bán shop gần 8 năm chưa bao giờ để khách phàn nàn. Mũ bucket này cũng bán vài ngàn cái rồi. Ai cũng khen.”
Một trường hợp khác, bạn V chia sẻ: “Khách em các bác ạ, hôm trước cảm ơn rối rít hôm sau cho 1 sao luôn kêu lừa đảo các kiểu, tự dưng nản chả buồn bán, kiếm được mấy đồng đâu lại mang tiếng đi lừa đảo”.
Dù cảm thấy bức xúc nhưng người bán đành phải lựa chọn những cách giải quyết nhẹ nhàng vì không muốn bị mang tiếng lừa đảo một cách vô cớ thế này.
Liệu có phải những review của khách hàng lúc nào cũng đúng hay không?
Những nhận xét, đánh giá của khách hàng trước là một công cụ rất hữu dụng cho người tiêu dùng, giúp chúng ta có cái nhìn chi tiết hơn về một sản phẩm, dịch vụ trước khi sử dụng.
Bản thân một khách hàng, khi nhìn thấy những tin "bóc phốt" các shop lừa đảo thì ngay lập tức sẽ ngay lập tức tránh xa shop này với tâm lý "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Tuy nhiên, chúng ta cũng nên suy nghĩ lại một chút, nếu những review đó là không chính xác, vu không, bịa đặt thì sẽ thế nào? Có thể đó rõ ràng là một shop kinh doanh rất đàng hoàng, chuyên nghiệp lâu năm nhưng vì bị đánh giá xấu không rõ lý do mà sụt giảm uy tín, giảm tương tác và bị siết chặt đơn hàng. Có phải hay không chúng ta nên xem xét một quá trình trước khi xem là người bán đó có thật sự “lừa đảo” hay không?
Lừa đảo là hành vi gian dối để làm người khác tin nhằm thực hiện những mục đích vụ lợi, trái pháp luật. Lừa đảo là thuật ngữ khoa học pháp lý xuất hiện từ nhiều thế kỷ qua và được mọi người sử dụng rộng rãi ở trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính vì từ "lừa đảo" được sử dụng quá rộng rãi và phổ biến khiến cho nhiều người không hiểu được ý nghĩa thật sự của nó, dẫn đến mỗi khi không hài lòng thì lại quay sang tố lừa đảo. Đây là một từ ngữ mang ý nghĩa rất nghiêm trọng, vì nó không chỉ liên quan đến chất lượng mà còn là đạo đức của người kinh doanh, việc không kiểm soát được lời nói tưởng chừng đơn giản những lại hủy hoại uy tín và danh dự của người kinh doanh trong chốc lát.
Có câu: “Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày đường”, những tai tiếng về một thương hiệu là điều lan truyền nhanh hơn bao giờ hết. Chính vì vậy mà nhiều người đã và đang lợi dụng điều này nhằm đe dọa, uy hiếp các nhãn hàng, người kinh doanh nhằm mục đích vụ lợi cá nhân.
Thương hiệu, hình ảnh, uy tín và chất lượng sản phẩm là những tiêu chí thu hút khách hàng, đặc biệt khi kinh doanh Online. Nếu đứng ở cương vị một người mua hàng, các bạn sẽ khó nhìn nhận được những thiệt hại mà người bán hàng phải hứng chịu. Nhưng nếu các bạn là người bán, những câu chuyện ở trên là minh chứng cho việc chính những người mua hàng lại là kẻ lừa đảo và đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự sống còn của một doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên thương mại điện tử. Các chính sách của các trang thương mại điện tử vẫn còn chưa toàn diện khi chỉ quan tâm và bảo vệ quyền lợi của khách hàng, vô tình biến người bán trở thành người bị “thua thiệt”.
Xem thêm:
- TRÒ GIAN TRÁ TRÊN ĐIỆN THOẠI – MÀN “LỪA ĐẢO” KIỂU CHUYỂN CỔNG (PORT-OUT)
- [TRÒN HOUSE] 5 HÌNH THỨC LỪA ĐẢO MỚI CHUYỂN TIỀN VÀO TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG 2021
- [TRÒN HOUSE] FE CREDIT “LỪA ĐẢO” 2020 – 2021: THỰC HƯ VÀ CÁCH PHÒNG CHỐNG RA SAO?
TRÒN HOUSE