Kinh doanh mùa dịch Covid-19: Doanh nghiệp “gồng mình” vượt khó

 

Trong tình hình dịch bệnh căng thẳng, hơn 90% doanh nghiệp tại Việt Nam đều trong tình trạng trì trệ. Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã khiến cho nhiều lĩnh vực kinh doanh như khách sạn, hàng không, du lịch, thủ công mỹ nghệ,... trở nên vắng lặng và ảm đạm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã nhanh trí nghĩ ra các phương án kinh doanh dự phòng mang tới lợi nhuận, đồng thời giải quyết các khó khăn và bất cập trong xã hội. 

 

Trong thời gian này, các doanh nghiệp lớn nhỏ phải tìm ra các phương thức tối ưu để duy trì hoạt động, nếu không muốn chìm sâu vào khủng hoảng và phá sản. Cùng Tròn House nhìn lại hoạt động kinh doanh của các ngành trong thời gian này nhé!

 

Nguồn: cdn.tuoitre

 

Kinh doanh dịch vụ, cơ sở ăn uống mở các dịch vụ ship tại nhà

 

Ngành kinh doanh dịch vụ, cơ sở ăn uống bị đe dọa bởi khủng hoảng nên nhiều công ty đã tập trung vào các động thái phòng thủ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khác lại mạnh dạn đổi mới để nắm bắt các cơ hội mới nổi trong mùa dịch. Cụ thể, các cơ sở kinh doanh ăn uống đã mở dịch vụ ship sản phẩm đến tận nhà trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Chính những thói quen mua sắm và sinh hoạt mới của người tiêu dùng đã làm nền tảng phát triển cho kinh doanh trực tuyến.

 

Theo giới kinh doanh, việc ăn uống ở bên ngoài của người dân nói chung, dự kiến vẫn sẽ duy trì tăng trưởng, nhưng thay vì sử dụng, đi ăn uống tại các cơ sở, thì giờ đây người tiêu dùng chọn giải pháp online. Nắm bắt xu hướng này, nhiều doanh nghiệp (DN) đang một mặt vẫn thực hiện khuyến mãi để kích cầu, mặt khác chuyển hướng kinh doanh “online hóa” để duy trì doanh số, giảm thiệt hại do tác động của Covid-19 gây ra. 

 

Nguồn: Cafef

 

Nhờ liên kết với một số app giao hàng hiện nay như Grab, Goviet, Baemin,... mà các cơ sở kinh doanh ăn uống đã đưa ra các voucher khuyến mãi giảm giá 10%, 35%, 50% hay freeship để kích cầu. Theo ông Philip Nguyễn Kỳ - chủ chuỗi Lobster Bay và Đảo Hải Sản chia sẻ: "Chúng tôi tập trung giao hàng tận nhà khoảng 1 tháng nay, nhưng vẫn chưa đạt doanh thu kỳ vọng, chi phí cũng còn cao. Đợt này đóng cửa thì bắt buộc đẩy mạnh bán online. Tôi nghĩ quyết định đóng cửa sẽ lâu hơn, nên sớm lên phương án tiếp theo". 

 

Cũng giống chuỗi nhà hàng trên, cơm gà Hải Nam - Một quán ăn tiếng tăm quận 1 cũng áp dụng phương thức giao đồ ăn toàn bộ và không nhận tiếp khách trực tiếp tại quán. Chủ kinh doanh cửa hàng này đã chuyển toàn bộ hoạt động kinh doanh sang các nền tảng giao hàng như Go-food, Grab Food, Delivery Now, Baemin,... để duy trì hoạt động. Hàng loạt quán trà sữa, cà phê như Highlands Coffee, Phúc Long, Gong Cha,... cũng lần lượt ra thông báo tạm dừng tiếp khách tại cửa hàng, đồng thời đưa ra những hướng dẫn cho khách sử dụng tính năng mua mang về hoặc đặt giao hàng. 

 

Nguồn: zingnews

 

Theo Brands Vietnam, ông Võ Duy Phú - Giám đốc Thương mại và Marketing thương hiệu The Coffee House đã cho biết sẽ đóng cửa hơn 100 cửa hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ giao hàng tận nhà qua ứng dụng riêng của The Coffee House. Doanh nghiệp này cho rằng việc khách hàng đến mua mang về cũng chưa phù hợp với chỉ đại của Nhà nước và muốn khách hàng yên tâm ở nhà sử dụng dịch vụ giao hàng. 

 

Một số cơ sở ăn uống khác lại tiến hành thay đổi mô hình kinh doanh để duy trì hoạt động. Từ lúc chính phủ kêu gọi đóng cửa các cửa hàng có từ 30 chỗ trở lên, một số cơ sở kinh doanh lớn đã thu hẹp mô hình để phòng, chống dịch bệnh. Quản lý Nhà hàng Rạn Biển trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3 cho biết chỉ nhận đủ số lượng khách dưới 30 người. Nhà hàng này không còn bố trí chỗ cho khách ngồi ở ngoài trời nữa mà chỉ phân bổ vào các phòng VIP để đảm bảo an toàn. 

 

Du lịch cố gắng duy trì tốt tình trạng ngủ đông

 

Ra Tết Âm Lịch là thời gian cao điểm hàng năm của nhiều danh lam thắng cảnh ở nước ta. Song những ngày này, du lịch trở nên vắng lặng và vô cùng ảm đạm. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch thừa nhận rằng họ đã chính thức bước vào giai đoạn ngủ đông - khi mà ngành hàng không đã đưa ra thông báo dừng khai thác đường bay từ các nước đến Việt Nam, giao thông vận tải trong nước cũng bị trì trệ bởi lệnh cách ly toàn xã hội mới nhất vào ngày 01/04/2020.

 

Ngành du lịch nước ta đang phải chịu những tác động lớn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Lượng khách du lịch giảm dần và mất hẳn, công suất sử dụng phòng thấp khiến cho nhiều nhà hàng, khách sạn phải tạm đóng cửa và không đón khách. Cùng với việc tích cực tham gia chống dịch, những ngày này là cơ hội để các đơn vị kinh doanh chỉnh trang lại cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công tác du lịch để có thể quay trở lại phục vụ ngay nếu hết dịch. Có lẽ thay vì cố gắng tìm phương kế kinh doanh hiện tại, các công ty du lịch đều lựa chọn phương án ngủ đông sao cho hiệu quả nhất, để có thật nhiều năng lượng và sức lực khi thức dậy.

 

Nguồn: kenh14

 

Theo Brands Vietnam, Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc công ty Images Travel cho biết công ty vừa tiễn những khách du lịch cuối cùng về nước. Toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty tạm ngừng và không biết khi nào mới mở lại vì dịch vẫn đang lan rộng. Ông cho biết thêm rằng trong thời gian dịch bệnh lan rộng, dù công ty không có khách nhưng vẫn các định không để tất cả mọi hoạt động bị trì trệ. Những kế hoạch tạo sản phẩm mới, đào tạo nguồn nhân lực vẫn phải được duy trì nhằm đảm bảo chất lượng các loại hình dịch vụ để đón khách ngay khi dịch kết thúc.

 

Hàng không điều chỉnh tiền lương và trích lập dự phòng hiệu quả

 

Ngành hàng không đang trượt dài trên đà khủng hoảng vì dịch Covid-19. Theo thông báo mới nhất, Việt Nam đã ngừng khai thác toàn bộ các chuyến bay quốc tế và hạn chế tối đa di chuyển trong nước. 

 

Theo công văn hỏa tốc được Bộ Giao thông vận tải gửi Cục Hàng không Việt Nam chiều 29-3, triển khai thực hiện chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3 của Thủ tướng về việc quyết liệt thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19; nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm từ TP Hà Nội và TP.HCM đối với các địa phương thì mỗi hãng chỉ được bay 1 chuyến/ngày trên 5 đường bay nội địa. Theo TBKTSG Online, đại diện của VietNam Airlines cho biết toàn bộ đường bay quốc tế của họ phải tạm dừng khai thác đến hết tháng 04 năm 2020. 

 

Nguồn: sohanews

 

Đến thời điểm hiện tại, việc dập tắt dịch bệnh vẫn chỉ là kỳ vọng cho nên việc chuẩn bị một kế hoạch lâu dài để duy trì hoạt động vẫn là một câu hỏi khó. Những người đi đầu các hãng hàng không lớn tại nước ta hiện nay đã chủ động áp dụng các giải pháp cấp bách nhằm thu hẹp quy mô kinh doanh và giảm tần suất bay. Họ đã làm việc với nhiều bên cung ứng, đối tác trong chuỗi sản xuất để nhận được sự trợ giúp, cắt giảm chi phí như giảm giá, trì hoãn thời gian thanh toán,... Không chỉ vậy, các hãng đều điều chỉnh tiền lương và áp dụng tạm thời các chính sách lương trong giai đoạn khủng hoảng (7 - 8 triệu đồng/tháng). 

 

Nguồn: thanhnien.vn

 

Trong tình hình hiện tại, 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet và Jetstar đã có hơn 5.000 tiếp viên (hơn ½ số lượng tiếp viên) xin hoãn hợp đồng để chống dịch, chăm lo gia đình và tái tạo sức lao động. Đây chính là thời gian để các hãng đào tạo lại nguồn nhân lực, tìm hiểu và nghiên cứu thêm các đường bay mới sau dịch bệnh.

 

Bất động sản điều chỉnh mục tiêu và ứng dụng công nghệ vào hoạt động

 

Covid-19 làm đảo lộn hoạt động của các công ty địa ốc, nguồn thu sụt giảm, chi phí tăng, phát sinh nợ xấu và tiềm ẩn nguy cơ phá sản lớn dần. Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa trình Chính phủ kết quả khảo sát tình hình khó khăn của doanh nghiệp những tháng đầu năm 2020 do tác động của Covid-19.

 

Nguồn: Vnexpress

 

Dịch bệnh làm gián đoạn, đảo lộn các mặt hoạt động của doanh nghiệp bất động sản; làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận, thậm chí có thể khiến nhiều doanh nghiệp bị mất thanh khoản về dòng tiền khi tồn kho tăng cao và nợ đọng lớn dần. Không những thế, dịch bệnh còn làm tăng chi phí đầu tư, tăng chi phí vốn và lãi vay kéo theo nguy cơ các khoản nợ bị chuyển thành nợ xấu; tăng nguy cơ thua lỗ, phá sản cho các doanh nghiệp bất động sản.

 

Nguồn: Cafef

 

Đứng trước nguy cơ đó, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch ứng phó theo nhiều giai đoạn ngắn. Một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã điều chỉnh mục tiêu doanh số, hạ mức tăng trưởng, cắt giảm ngân sách chi tiêu và ứng dụng công nghệ vào rất nhiều hoạt động. Một số khác lại thay đổi chiến lược bằng cách nâng cao năng lực và khả năng kinh doanh của mình.

 

Thủ công mỹ nghệ dọn hàng lên mạng internet

 

Lệnh cách ly toàn xã hội đã khiến cho ngành thủ công mỹ nghệ tại nước ta “chao đảo”. Cứ ngỡ rằng ngành này sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều, nhưng việc các triển lãm hội chợ bị trì hoãn, việc tắc biên đã khiến cho hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ điêu đứng.

 

Nguồn: trenghenhan

 

Số lượng hàng hóa tồn đọng tại kho tăng cao khiến các áp lực về kho bãi và bảo dưỡng đè nặng lên vai những nhà quản trị. Chính vì thế, những người đi đầu đã tư uy và thử nghiệm mô hình điện tử, kết hợp thực tế ảo để dọn hàng mỹ nghệ lên mạng Internet. Trang điện tử này giống một gian hàng trưng bày tại hội chợ, tuy nhiên người mua không nhìn trực tiếp mà chỉ cần ngồi máy tính và xem xét hàng trăm mẫu mã khác nhau. Các thông số cần thiết về sản phẩm đều được cung cấp rõ ràng và đầy đủ. 

 

Thông qua sàn thương mại điện tử này, hai bên có thể biết được mẫu mã, giá cả và năng lực sản xuất của nhau. Khách hàng nước ngoài khi không hoặc chưa đến được Việt Nam có thể khảo sát năng lực sản xuất của nhà máy thông qua một bên kiểm toán độc lập.

 

Xuất nhập khẩu tạm ngừng kinh doanh để sửa sang và nâng cấp

 

Dù gặp phải khó khăn khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn nghĩ ra được rất nhiều phương án ứng phó hữu hiệu. Trong thời gian dịch bệnh hoành hành, cửa khẩu Việt Nam đã tạm thời đóng lại khiến cho ngành xuất nhập khẩu tại nước ra phải “ngủ đông” như ngành du lịch. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đã nỗ lực để thay đổi quy mô, sắp xếp lại các bộ phận làm việc và nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực tốt hơn để sẵn sàng quay lại sau mùa dịch.

 

Nguồn: baoxaydung

 

Có thể nói, hiện nay tất cả các ngành kinh doanh đều bị dịch bệnh gây ảnh hưởng hết sức nặng nề. Đây là thời gian để nhiều doanh nghiệp “gồng mình” cố gắng duy trì hoạt động và tư duy những phương án mới. Liệu doanh nghiệp nào sẽ vùng lên mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 trong thời gian sắp tới? Hãy cùng Tròn House chờ đợi xem nhé!

 

 

XEM THÊM:

Những tips tuyệt vời giúp quá trình chụp ảnh sản phẩm trở nên dễ dàng hơn.

Các ý tưởng chụp hình sản phẩm giúp tăng sale nhanh chóng.

Dịch vụ đặt đồ ăn đã thay đổi thể nào giữa mùa dịch?

 TRÒN HOUSE