Tổng hợp báo cáo khảo sát mua sắm online: Thế hệ Millennials thích GÌ?

 

Tùy vào từng thị trường mục tiêu khác nhau mà các nhà tiếp thị tại Đông Nam Á (ĐNA) sẽ có quyền truy cập và cập nhật các số liệu thống kê mô tả riêng biệt. Chẳng hạn như Temasek, Google hay Bain đã đưa ra báo cáo rằng thị trường thương mại điện tử sẽ tăng từ 100 tỷ đô la vào năm 2020 lên 300 tỷ đô la vào năm 2025.

 

Tuy nhiên, chỉ nhìn vào những con số thôi là chưa đủ, số liệu chưa phải là yếu tố quan trọng quyết định để giúp những nhà tiếp thị lên kế hoạch phát triển thương hiệu. Họ cần hiểu được thái độ và hành vi của đa số người tiêu dùng trong khu vực để thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ và chính xác hơn. Ví dụ, người tiêu dùng làm gì để tìm hiểu về các sản phẩm? Họ thường ưu tiên lựa chọn những sản phẩm nào? Kênh thương mại trực tuyến mà người tiêu dùng sử dụng là gì? Thời gian họ sử dụng các trang mạng xã hội, các kênh thương mại điện tử là bao lâu?

 

Để có thể trả lời những câu hỏi đã kể trên, Click Insights đã phối hợp với Adobe để khảo sát hàng trăm người tiêu dùng tại các quốc gia Đông Nam Á (Philippines, Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam). Báo cáo dưới đây là tổng hợp câu trả lời của những cá nhân từ 16 - 22 tuổi (thế hệ Z hay GenZ) và từ 23 – 27 tuổi (thế hệ Y hay Millennials).

 

Tại Đông Nam Á, GenZ có ít khả năng mua sắm trực tuyến hàng tuần hơn Millennials

 

Nói về tần suất mua sắm trực tuyến, hơn ⅓ (34%) Millennials đã trả lời "mỗi tuần", trong khi chỉ có 16% GenZ nói như vậy. Một trong những lý do khiến thế hệ GenZ có ít khả năng mua sắm trực tuyến hàng tuần là vì độ tuổi còn khá nhỏ, thu nhập còn thụ động, đa số phụ thuộc vào thế hệ Millennials. Với những cá nhân mua sắm có độ tuổi 23 - 27 đã có mức thu nhập ổn định, có nhu cầu mua sắm hàng tuần thì khả năng mua sắm nhiều hơn gấp đôi so với cá nhân có độ tuổi từ 16 - 22 tuổi.

 

Nguồn: CafeF

 

Tại Đông Nam Á, GenZ thích Instagram còn Millennials thích Facebook

 

Facebook là một trong những mạng xã hội phổ biến nhất với Millennials tại Đông Nam Á. Dù cho đây là một trong những nền tảng phải đối mặt với các vấn đề gây tranh cãi với người dùng tại nhiều khu vực khác trên thế giới, tuy nhiên tại Đông Nam Á, gần ⅔ Millennials (63%) sử dụng Facebook 30 phút mỗi ngày. Tuy nhiên, GenZ lại thích Instagram hơn. Hơn ½ GenZ (56%) lại lựa chọn Instagram để làm nơi “nghỉ chân” 30 phút mỗi ngày.

 

Theo Cafebiz, 51% Millennials online Facebook hàng ngày trong nửa giờ, trong khi chỉ 26% GenZ sử dụng nó ở cùng mức độ. Tuy nhiên tại Việt Nam, sự chênh lệch trong thời gian sử dụng Facebook của hai thế hệ là không đáng kể.

 

Nguồn: CafeF

 

Tuy nhiên nhìn chung, cả Facebook và Instagram đều phổ biến với cả hai thế hệ trong khu vực Đông Nam Á. Bất kỳ thương hiệu nào nếu muốn tiếp cận với những đối tượng này đều nên ưu tiên sử dụng hai nền tảng này cho quảng cáo, cũng như tương tác truyền thông đến người dùng.

 

Tại Đông Nam Á, TikTok vẫn lép vế Facebook, Youtube và Twitter

 

Bên cạnh các trang mạng xã hội lớn như Facebook, Youtube hay Twitter, nhiều trang mạng xã hội mới đã xuất hiện với nhiều mục đích khác nhau. Mục đích của các nền tảng này chính là xây dựng cộng đồng nhỏ với nội dung tập trung xoay quanh một chủ đề, sở thích, hoạt động hay ngành nghề nào đó.

 

Tik Tok là một ứng dụng truyền thông mạng xã hội được phát triển bởi hãng công nghệ ByteDance và được ra mắt vào hồi cuối năm 2016 với mục tiêu chia sẻ những video ngắn, mang đậm dấu ấn sáng tạo của giới trẻ. Đây là nền tảng cho ra đời những khoảnh khắc đáng quý trong cuộc sống và người dùng có thể thỏa sức phát triển những ý tưởng độc lạ của mình. Hiện nay, Tik Tok đã có mức tăng trưởng cao vượt bậc trên toàn cầu vào năm 2019, được nhiều nhà tiếp thị khuyến khích thử nghiệm khả năng quảng cáo, tuy nhiên TikTok vẫn lép vế Facebook, Youtube và Twitter tại Đông Nam Á.

 

Nguồn: CafeF

Có lẽ tính đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa thể khẳng định xem đây có phải là một nền tảng tiếp thị hiệu quả hay không, nhưng thông qua việc khảo sát của Click Insights và Adobe đã cho thấy rằng rất ít người tại Đông Nam Á dành thời gian cho nền tảng này.

 

Chỉ 18% thế hệ GenZ dành hơn 30 phút mỗi ngày cho TikTok và Millennials là 14%. Do đó, có vẻ như TikTok có thể sẽ là nền tảng lý tưởng cho những thương hiệu có đối tượng khách hàng tiềm năng từ 16 - 22 tuổi và chưa thể là nền tảng lý tưởng để tiếp cận các đối tượng khách hàng tiềm năng từ 23 -27 tuổi.

 

Tại Đông Nam Á, các Influencer có sức ảnh hưởng lớn đến hành vi mua sắm trực tuyến

 

Hiện nay, các doanh nghiệp đều ưa thích quảng cáo thông qua việc hợp tác với những người có tầm ảnh hưởng hoặc nổi tiếng trên mạng xã hội. Bằng những review sản phẩm, việc hợp tác với những người có lượng followers lớn khiến cho hình thức quảng cáo này chân thực hơn rất nhiều so với hình thức thông thường. 

 

Việc chọn các Influencer để quảng bá sản phẩm là hình thức được ưa chuộng rộng rãi bởi các thương hiệu tại Đông Nam Á. Đáng ngạc nhiên hơn là theo thống kê, hơn một nửa số người được khảo sát của cả hai thế hệ đã kết luận rằng cách thức quảng cáo này cực kỳ hữu ích.

 

Nguồn: CafeF

 

Tại Đông Nam Á, nhìn chung hầu hết GenZ (60%) cảm thấy Influencer làm rất tốt trong việc thúc đẩy hành vi mua sắm các sản phẩm thời trang; 54% Millennials cũng cho thấy các thương hiệu gây chú ý cho họ khi quảng bá các sản phẩm làm đẹp và các địa điểm du lịch. 

 

Tại Việt Nam, GenZ và Millennials đều cho rằng các Influencer làm tốt nhất khi quảng bá các sản phẩm như mặt hàng thời trang, phụ kiện và giày dép.

 

Tại Đông Nam Á, hàng giả vẫn là mối quan tâm lớn đối với người mua hàng trực tuyến

 

Thông qua khảo sát, cả hai thế hệ GenZ và Millennials đều cho biết mối quan tâm của họ khi mua sắm trực tuyến chính là chất lượng sản phẩm. Chất lượng sản phẩm mối quan tâm lớn nhất (74% GenZ, 70% Millennials) và các sản phẩm giả mạo đứng thứ hai (67% GenZ, 62% Millennials). Qua thống kê khảo sát này, các nhà tiếp thị thương hiệu nên đưa ra các chính sách phù hợp để đảm bảo sản phẩm đến tay khách hàng đều đảm bảo chất lượng và là sản phẩm chính hãng.

 

Nguồn: CafeF

 

Thanh toán không dùng tiền mặt chưa phổ biến tại Việt Nam

 

Theo khảo sát, ví điện tử và chuyển khoản ngân hàng chỉ thuộc mức tương đối khá phổ biến với Millennials tại Việt Nam. Tuy nhiên nhìn chung, thanh toán không dùng tiền mặt chưa phổ biến tại nước ta, với 84% GenZ và 80% Millennials đều chọn thanh toán bằng tiền mặt.

 

 

 

 

Đọc thêm:

CÁC NHÀ BÁN LẺ “LIỆU CƠM GẮP MẮM” ĐỂ VƯỢT QUA ĐẠI DỊCH COVID-19

MỔ XẺ SỰ KHÁC BIỆT GIỮA KINH DOANH ONLINE VÀ KINH DOANH OFFLINE TRONG THỜI ĐẠI 4.0

LEVI’S THÀNH CÔNG BƯỚC QUA ĐẠI DỊCH COVID-19 NHỜ BÁN HÀNG ONLINE TRÊN TIK TOK

 

TỔNG HỢP BỞI TRÒN HOUSE

Nguồn tham khảo: Cafebiz