Xu hướng chụp hình thời trang đáp ứng lời kêu gọi bảo vệ môi trường
Nội dung bài viết:
Xu hướng tái chế từ rác thải (Recyclable)
Xu hướng sử dụng chất liệu từ thiên nhiên, bảo vệ môi trường
Xu thế bảo vệ động vật (vegan fashion)
Xu hướng đem cuộc sống trở lại gần hơn với tự nhiên, bày tỏ sự tử tế đối với mẹ thiên nhiên ngày càng phổ biến hơn, khi mà ngày càng có nhiều con số báo động về môi trường, hành tinh xanh không còn “mãi xanh” như những gì chúng ta đã nghĩ, mọi việc đã cấp bách lắm rồi.
Những vấn đề nổi bật hiện nay: cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật,… đang đặt ra câu hỏi cho những con người vừa là nguyên nhân vừa là nạn nhân: liệu chúng ta sẽ giải quyết những vấn đề đó như thế nào? sẽ hành động như thế nào?...
Sự thật là xã hội cùng mỗi con người trong đó, càng có nhiều người thờ ơ, thì lại càng có những người không hề quay lưng lại với những vấn đề môi trường. Ngày càng có nhiều phong trào kêu gọi con người chung tay bảo vệ trái đất, những công ty lớn đã bắt đầu hành động một cách thiết thực và mạnh mẽ hơn trong việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm, biến chúng trở thành DNA của các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, giúp họ đến gần hơn với người tiêu dùng.
Cùng xuất phát từ việc hưởng ứng lại lời kêu gọi vì một thế giới tốt đẹp hơn, Tròn cũng xin góp một bài viết về xu hướng chụp hình thời trang đáp ứng lời kêu gọi chung tay bảo vệ hành tinh của chúng ta, để qua đó, các bạn có thể có thêm những ý tưởng về những BST “xanh” của mình.
Xu hướng tái chế từ rác thải (Recyclable)
Không thể không nói thời trang, nhất là thời trang nhanh (fast fashion), đang là ngành có nhiều “công lao” nhất trong việc hủy hoại môi trường, xuất phát từ việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên để sản xuất quần áo. Cụ thể là, sẽ cần đến 2.650 lít nước để sản xuất một chiếc áo thun cotton; 20% lượng nước ô nhiễm trong ngành công nghiệp toàn cầu đến từ việc xử lý vải nhuộm dệt; chỉ có 20% trên tổng số vải được tái chế và 80% còn lại sẽ chôn dưới bãi rác, đó là chưa kể đến thời gian phân hủy của các sản phẩm này.
Hiểu được những điều bất cập này, ngày càng nhiều doanh nghiệp, bên cạnh sản phẩm truyền thống, họ đã sản xuất ra những sản phẩm được tái chế từ rác thải, thay vì ném chúng xuống lòng đất chờ phân hủy, bỏ xuống đại dương để nước che lấp giúp, thì họ đã tái chế chế chúng thành những sản phẩm thời trang khác.
Ông lớn Adidas đã thực hiện chiến dịch “ Stan Smith, Forever”, sản phẩm đậm chất biểu tượng phong cách kinh điển của Adidas, giờ đây lại càng được phát triển bền vững hơn. Để thực hiện cam kết của mình hướng tới chỉ sử dụng polyester tái chế (không sử dụng polyester nguyên sinh), đôi giày đã được cải biên thành một phiên bản mới hơn, có đế ngoài của giày được tạo thành từ cao su phế liệu.
Giày từ bộ sưu tập này còn được may bằng vải công nghệ Prime Green (thuộc dòng chất liệu tái chế hiệu năng cao). Hình chụp thời trang của đôi giày rất đơn giản và thẳng thắn: một chai nhựa, một đôi giày.
Một đôi khác thuộc dòng Stan Smith Golf, thậm chí sử dụng thành phần vegan cho những chất liệu có nguồn gốc như động vật (da động vật). Hình ảnh cô đọng, chỉ có đánh golf và không gì khác ngoài bảo vệ môi trường.
Hầu hết trong các hình ảnh ở xu hướng này, những hình ảnh về thời trang sẽ nghiêng về màu xanh lá là màu của tự nhiên, hoặc những màu sắc gợi cho con người một cảm giác thoải mái đến từ thiên nhiên.
Xu hướng sử dụng chất liệu từ thiên nhiên, bảo vệ môi trường
Một nhà mốt lớn trong ngành thời trang đã cho ra mắt BST Dior Xuân Hè 2020 của Maria Grazia Chiuri, với chủ đề chính là những khu vườn. Vị giám đốc sáng tạo của Dior đã lấy cảm hứng từ thiên nhiên và hoa lá, những thứ mà Monsieur Dior cũng yêu quý.
Thiên nhiên một lần nữa đóng vai trò chủ đạo, nguồn cảm hứng của BST được người sáng lập ấp ủ, đó là câu chuyện về một khu vườn với vô số loài thực vật cùng chung sống với nhau, đa dạng về chủng loại và làm đẹp lẫn nhau. Sự tôn vinh sự đa dạng này được thể hiện bằng việc một số tấm vải sẽ được nhuộm bằng kỹ thuật đặc biệt: kỹ thuật eco-printing.
Vải sẽ được xử lý qua dung dịch đặc biệt, sau đó thực vật được trực tiếp áp lên vải, cuộn chặt lại và hấp cách thuỷ. Vải sau khi gỡ ra sẽ có được những họa tiết nhìn thật tự nhiên nhất, giống như cả một vườn hoa được in lên vải. Đây cũng là 1 trong 4 cách nhuộm vải tự nhiên, thay vì sử dụng mực in và thải nhiều hóa chất ra môi trường.
Trong tất cả các shoot chụp hình thời trang của xu hướng này, thiên nhiên luôn được lồng ghép một cách tự nhiên, những phụ kiện kèm theo đều mang phong cách nhẹ nhàng, thoải mái.
Tuy nhiên, ngược lại với Dior, vài năm trước một nhà mode khác - Stella McCartney, đã thực hiện đúng với tinh thần của việc bảo vệ môi trường và phản ánh hiện thực, bằng cách thực hiện việc chụp hình thời trang mà trong đó những người mẫu mặc trang phục đắt tiền sẽ tạo hình giữa một bãi rác, với đúng nghĩa đen của từ bãi rác. Bạn có thể thấy những người mẫu chạy nhảy xung quanh một khu vực rác thải, dạo chơi, nô đùa và nằm lên trên đống rác đang bốc khói.
Bạn sẽ thấy cách mà McCartney duy trì cam kết liên tục của mình, đối với việc bảo đảm tính bền vững và giảm thiểu rác thải ra môi trường, ví dụ như vấn đề về việc tiêu thụ thời trang quá mức hoặc thời trang sử dụng một lần (fast fashion), bằng cách in các họa tiết chữ ký của chính mình lên những hình ảnh thời trang, bao quanh đống rác thải (đường màu nâu, xanh).
Xu thế bảo vệ động vật (vegan fashion)
Trong thời trang vegan fashion, những nguyên liệu được khai thác từ động vật như lông, da móng, đều phải được loại bỏ và thay thế bằng những vật liệu khác.
Trái ngược với những suy nghĩ thông thường về thời trang cao cấp sẽ sử dụng những loại da tốt nhất, hiếm nhất hoặc sử dụng lông của những con thú quý nhất. Thời trang vegan fashion sẽ không truyền cảm hứng với những hình ảnh thời trang bao gồm những người phụ nữ sành điệu dắt chó đi dạo ở Paris, đến hộp đêm sang trọng ở New York hoặc thướt tha trong đôi giày cao gót dạo chơi ở các trung tâm mua sắm ở Dubai. Họ sẽ nói cho bạn một câu chuyện rất khác.
Vegan fashion sẽ không định nghĩa chiếc túi xách sang trọng mà bạn ngưỡng mộ, hay đôi giày da sang trọng mà bạn thèm muốn là điều gì đó độc ác. Tuy nhiên, họ sẽ nói với bạn rằng đối với các thương hiệu thuần chay sang trọng tốt nhất, sẽ sử dụng vật liệu cao cấp, thân thiện với môi trường hơn nhiều so với nguyên liệu bằng da thú như trước đây. Da thú ư, chúng về cơ bản là dạng nhựa tồi tệ nhất.
Họ sẽ quy định lại việc thời trang cao cấp là gì: nếu sử dụng Vegan fashion, ngoài sự đẳng cấp và sang trọng từ quần áo, giày dép và túi cao cấp, sẽ không tồn tại sự độc ác, bạn có thể vẫn thật sang trọng, đẳng cấp mà không tổn hại một sinh mạng nào cả.
Một đôi giày “thuần chay” từ hãng giày Robin Webb, chúng hoàn toàn chắc chắn, bền, đẹp và không hề làm từ da thú.
Kết luận:
Ba xu hướng chụp hình thời trang trên đây đã và đang báo hiệu một sự thay đổi về suy nghĩ của những con người có sự ảnh hưởng đến xu hướng thời trang, cũng chính là ngành kinh tế đem đến nhiều hệ quả cho môi trường nhiều nhất, nhưng cũng chính họ đang dần dần định nghĩa lại thời trang, trả lại màu xanh cho môi trường.
Cùng nhau, chúng ta sẽ có thể giải quyết dần những vấn đề đang tồn đọng đối với hành tinh của chúng ta, đừng ngại ngùng khi tuyên bố với người tiêu dùng về xu hướng tái chế hoặc việc không sử dụng đồ da của bạn. Không ai có thể nói rằng đồ tái chế nhìn xấu xí và vô dụng, bằng chứng bạn sẽ phải động lòng và mua một đôi giày của Adidas bởi cái đẹp của chúng và cả ý nghĩa của việc đóng góp cho hành tinh một hành động ý nghĩa.
Bạn hãy tin Tròn đi, khi bạn thực hiện chụp hình thời trang với tâm thế của một trái tim thương yêu, trong tương lai bạn sẽ không còn phải đau lòng khi thấy những sinh vật từ đại dương ăn phải những túi rác nhựa nữa hay những bộ phim về hoạt cảnh giết sống động vật lấy lông.
Nếu bạn vẫn còn đang loay hoay tìm kiếm một xu hướng chụp hình thời trang về môi trường thì hãy liên lạc với Tròn nhé, cùng nhau chúng ta làm cho thế giới tốt hơn!
Xem thêm:
- NÊN CHỤP LOOKBOOK IN-STUDIO HAY OUTDOOR
- BÍ QUYẾT SỞ HỮU LOOKBOOK GIÚP XÂY DỰNG “THƯƠNG HIỆU PHONG CÁCH SỐNG” MÀ BẠN CẦN PHẢI BIẾT
- BẠN ĐÃ NẮM ĐƯỢC 4 TIPS CHỤP LOOKBOOK XỊN XÒ GIÚP TIẾT KIỆM THỜI GIAN VÀ CHI PHÍ CHƯA?
TRÒN HOUSE