Vừa qua tháng giêng, ngành thời trang “thấm đòn” Virus Corona

 

Tháng 2 và tháng 3 là khoảng thời gian mà các kinh đô thời trang lớn như New York, Paris, London, Milan, Seoul,... diễn nhiều sự kiện thời trang. Tuy nhiên, những diễn biến hết sức phức tạp của bệnh viêm phổi cấp (do virus Corona gây ra) đã khiến những sự kiện này bị bỏ ngỏ. Nhiều thương hiệu thời trang tầm trung và thời trang bình dân đang đứng trên bờ vực doanh số giảm mạnh buộc phải tạm thời đóng cửa các cửa hàng của họ.

 

Sự bùng phát của đại dịch Corona ở Trung Quốc đã gây ra cú sốc lớn cho ngành thời trang toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Dự kiến Corona vẫn sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng không nhỏ trong thời gian sắp tới. Vậy Corona đã gây ảnh hưởng đến ngành thời trang thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng như thế nào? Cùng Tròn House tìm hiểu ngay nhé!

 


Nguồn: ajc.hcma

 

Cú sốc làm lu mờ ánh hào quang

 

Tuần lễ thời trang ở các kinh đô như New York, Milan, London, Paris,... là nơi trình diễn những bộ sưu tập hết sức ấn tượng của hàng trăm nhà thiết kế nổi tiếng trên thế giới. Đây cũng là showroom “hiện thực” nhất dành cho người mua - khi mà khách hàng có thể tận mắt nhìn ngắm và mua sắm các sản phẩm đang được trình diễn. Nhưng trong hai tháng vừa qua, ngành công nghiệp xa xỉ này đang hứng chịu những tổn thất hết sức nghiêm trọng từ những biện pháp phòng ngừa sự lây lan của virus Corona.

 

Dịch covid-19 đã làm lu mờ đi ánh hào quang của ngành thời trang toàn cầu trong tháng vàng vừa qua. Nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đã phải hủy đi những show diễn của mình vì các biện pháp cách ly của chính phủ. Một vài thương hiệu khác lại phải tiếp tục sự kiện với sự vắng bóng của hàng trăm người mẫu, người mua hay các nhân vật nổi tiếng đến từ Trung Quốc. Người Trung Quốc đóng góp hơn ⅓ giao dịch hàng xa xỉ và ⅔ tăng trưởng của ngành thời trang mặt hàng xa xỉ trong vài năm gần đây. Sự vắng bóng của họ trong các sự kiện ra mắt bộ sưu tập là gánh nặng đang đè lên ngành công nghiệp này.

 


Nguồn: Dior

 

Nhờ nhận thức được mức độ trầm trọng của virus Corona, chính phủ Trung Quốc đã quyết định dừng toàn bộ các chuyến bay quốc tế từ ngày 31/01 đến ngày 27/01 để tránh bùng phát dịch, điều đó kéo theo việc hàng trăm người mẫu hay nhân vật nổi tiếng của Trung Quốc không thể có mặt tại các kinh đô thời trang lớn này trong tháng vàng. Vừa qua, Corona lại bùng phát ở Hàn Quốc, chính vì thế có lẽ việc dừng các chuyến bay này vẫn sẽ còn kéo dài. Một chỉ số của Bloomberg về các doanh nghiệp bán hàng xa xỉ đã giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái, do mức chi tiêu của người Trung Quốc với các mặt hàng này đã giảm tương đối. Doanh thu các mặt hàng xa xỉ trên toàn cầu giảm thấp hơn trung bình 6% so với các dự báo, đặc biệt những doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc sẽ hứng chịu mức giảm lớn hơn nữa.

 


Nguồn: sputniknews

 

Tại Trung Quốc, Tuần lễ thời trang Thượng Hải được dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26/03 và Tuần lễ thời trang Bắc Kinh sẽ kéo dài từ ngày 25/03 đến ngày 31/03. Tuy nhiên cả hai sự kiện này đều bị hủy vì các diễn biến nghiêm trọng và hết sức phức tạp của virus corona. Ngày tổ chức lại sự kiện này vẫn chưa được ấn định lại vì có nhiều vấn đề về nhà thiết kế, người mẫu, địa điểm thuê, chính quyền địa phương,... Trong thời gian gần đây, Tuần lễ thời trang Thượng Hải đã trở thành tuần lễ thời trang hàng đầu khu vực và là sự kiện thương mại thời trang đình đám nhất Châu Á; Tuần lễ thời trang Bắc Kinh cũng đang có những bước tiến mạnh mẽ hơn thu hút nhiều nhà thiết kế trẻ. Virus Corona đã gây ra những ảnh hưởng xấu và hết sức nghiêm trọng đến các thương hiệu thời trang lớn có cơ sở tại Trung Quốc nói chung và các thương hiệu đến từ Trung Quốc nói riêng.

 


Nguồn: luxury-inside

 

Tạm dừng hoạt động trên toàn thế giới

 

Nhiều thương hiệu thời trang đã tạm dừng hoạt động ở Trung Quốc. Vào ngày 04/02 vừa qua, Uniqlo đã đóng cửa 130 cửa hàng tại Hồ Bắc và chưa có thời gian hoạt động trở lại cụ thể. Doanh số và lợi nhuận của Uniqlo giảm lần lượt 3.3% và 12.4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài Uniqlo, nhiều thương hiệu khác đã gặp những khó khăn nghiêm trọng vì ảnh hưởng của Covid-19. Levi’s đã đóng cửa hơn nửa số lượng cửa hàng của họ, bao gồm cửa hàng lớn nhất Châu Á tại Vũ Hán; Charles&Keith ngưng hoạt động tại Hồ Bắc và H&M đóng cửa 13 cửa hàng. Nhà bán lẻ may mặc của Mỹ, Gap Group đã tuyên bố đóng băng hoạt động trụ sở và nhà máy sản xuất tại Trung Quốc trước tình hình dịch phức tạp. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai của các hãng thời trang đã gây ảnh hưởng không hề nhỏ tới các thương hiệu lớn này. Sắp tới, với tình hình lan rộng dịch bệnh tại Hàn Quốc, sự khó khăn này chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục kéo dài.

 


Nguồn: znews

 

Tại Paris, một số thương hiệu lớn nhất trong ngành như Saint Laurent, Dior,... vẫn tổ chức các sự kiện, mặc dù họ luôn tỏ ra thận trọng. Số doanh thu của các sự kiện thương mại này của họ liên tục giảm, dự đoán các sự kiện này sẽ dừng lại nếu virus vẫn tiếp tục lan rộng trong thời gian tới. Các cửa hàng của các thương hiệu này tại các nước chưa bùng phát dịch bệnh vẫn mở cửa, tuy nhiên doanh thu vẫn tiếp tục giảm mạnh. Ngành công nghiệp thời trang xa xỉ toàn cầu vốn phụ thuộc rất nhiều vào sức mạnh sản xuất và tiêu thụ khổng lồ của người Trung Quốc, vì thế mọi thứ đã chậm lại trước tình hình virus lây lan rộng.

 


Nguồn: etsystatic

 

Tại Nhật Bản, tình hình mua sắm tại các trung tâm thương mại Takashimaya, Mitsukoshi, Maruei... bị sụt giảm rõ rệt. Thống kê sơ bộ, doanh số bán hàng giảm 20% một mặt vì lượng khách du lịch Trung Quốc bị chính phủ nước này cấm di chuyển ra nước ngoài. Mặc khác, số lượng khách hàng nội địa ngại đến nơi đông người dù chính quyền Nhật Bản kiểm soát và quản lý tình hình dịch bệnh khá tốt.

 

Chuỗi cung bị gián đoạn

 

Ngoài việc các hoạt động, triển lãm thương mại, tuần lễ thời trang bị hủy thì một tác động hết sức nghiêm trọng đến ngành thời trang toàn cầu đó là chuỗi cung bị gián đoạn. Trung Quốc - Nơi bùng phát dịch Corona là nước dẫn đầu về ngành dệt may. Hơn 37.6% thị trường xuất khẩu nguyên liệu thô đều là từ Trung Quốc. Các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Michael Kors, Zara, Ralph Lauren, H&M... đều nhận nguyên liệu nhập khẩu từ đất nước tỷ dân này. Mặc dù các thương hiệu này đã tìm nguồn thay thế và đa dạng hóa nguồn cung ứng nhưng vẫn không khỏi chịu những ảnh hưởng mạnh mẽ. Nguyên liệu mới, giá thành cao,... là những câu hỏi mà các thương hiệu này phải đặt ra. Việc sản xuất các bộ sưu tập rất dễ bị ngưng vô thời hạn bởi sự cung ứng nguyên vật liệu bị gián đoạn.

 


Nguồn: vietnambiz

 

Đối với các thương hiệu lớn, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thời trang thế giới thì đại dịch Corona đã là một thách thức - còn đối với các thương hiệu tầm trung và bình dân khác thì sao? Covid-19 không khác gì một thảm họa khi nó khiến các thương hiệu này không có khả năng tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới mà chỉ dựa vào ngành sản xuất may mặc. Ngành sản xuất may mặc của nhiều nước trên thế giới lại phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nguyên vật liệu của Trung Quốc. Hiện nay, ngành sản xuất may mặc vẫn đủ điều kiện để tiếp tục làm việc, nhưng dự kiến sẽ chỉ duy trì được đến hết tháng 3. Các cơ sở sản xuất lớn này đang tìm thêm những biện pháp để có được chuỗi cung ứng ổn định hơn để tránh việc các thương hiệu tầm trung và bình dân không thể ra mắt bộ sưu tập mới.

 


Nguồn: H&M

 

Tại Việt Nam, lượng người mua hàng tại các trung tâm mua sắm lớn đã sụt giảm rõ rệt - thậm chí là vắng bóng người. Các cửa hàng đến từ nhiều thương hiệu khác nhau phải gánh chịu rất nhiều khoản phí từ việc thuê mặt bằng, chi trả lương cho nhân viên, đóng thuế,... để duy trì hoạt động. Doanh số giảm vì người dân ngại đi mua sắm trong dịp virus Corona bùng phát ở nhiều nơi. Nhiều hãng thời trang nhỏ lẻ đã phải tạm đóng cửa vì công tác phòng chống dịch. Việc chính phủ đóng cửa các chuyến bay từ Trung Quốc và Hàn Quốc đã làm hạn chế một lượng lớn khách du lịch - những người rất chịu chi cho hoạt động mua sắm tại Việt Nam đã làm ảnh hưởng không hề nhỏ đến ngành công nghiệp thời trang tại nước ta. Những quang cảnh mua sắm tấp nập tại các thành phố lớn đã mất hẳn, bây giờ vô cùng vắng lặng cho ảnh hưởng của virus.

 

Ngành công nghiệp dệt may và sản xuất thời trang tại nước ta cũng đang bị trì trệ. Đa số nguyên liệu tại nước ta đều được nhập khẩu từ Trung Quốc, các doanh nghiệp may mặc chỉ có thể hoạt động khi có nguồn cung nguyên vật liệu từ nước láng giềng. Vì diễn biến dịch Corona đang diễn ra hết sức phức tạp, Trung Quốc đã tuyên bố đóng cửa biên giới nhằm ngăn ngừa việc dịch bệnh phát tán nên chuỗi cung ứng nguyên liệu tại nước ta đang bị gián đoạn nghiêm trọng.

 

Thực trạng trong nước

 

Hiện nay các hãng thời trang tầm trung và bình dân vẫn đang hoạt động bình thường tại nước ta. Dù doanh thu có giảm nhưng đa số các hãng thời trang này đã và đang chuyển hướng đầu tư nhiều hơn vào bán hàng online để giữ doanh số bán hàng. Các Brands này vẫn tiến hành ra mắt nhiều bộ sưu tập mới với số lượng khá lớn. Tuy nhiên nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, ngành sản xuất may mặc bị trì trệ thì ảnh hưởng sẽ hết sức nghiêm trọng.

 


Nguồn: zing

 

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp này, ngành thương mại điện tử đang soán ngôi vị cao nhất. Corona tạo nên nỗi sợ cho hàng tỷ người trên thế giới, khiến người ta ngại tụ tập mua sắm. Đây chính là cơ hội cho thị trường thương mại điện tử trở nên đông đúc và nhộn nhịp hơn. Liệu các hãng thời trang quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng có nắm bắt được thời cơ và phát triển hơn không? Cùng Tròn House chờ đợi nhé!

 

 

XEM THÊM:

Mở ra cơ hội thanh toán online khi tiền mặt bị cách ly giữa dịch bệnh

Dịch vụ đi chợ onine bùng nổ giữa dịch Covid-19

Mở ra cơ hội thanh toán online khi tiền mặt bị cách ly giữa dịch bệnh

 TRÒN HOUSE