Tròn House - Chủ shop online méo mặt bởi những chiêu trò lừa đảo từ "thượng đế"

 

Nắm bắt sự thay đổi thói quen mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng, thương mại điện tử trở nên đa dạng và không ngừng phát triển. Trong xu hướng chuyển đổi thích nghi với nền kinh tế thị trường, thương mại điện tử đã nỗ lực xây dựng những tiêu chuẩn tín nhiệm nhằm gia tăng niềm tin của khách hàng vào các hoạt động mua bán.

 

Trong năm 2021 sẽ là thời điểm các doanh nghiệp bứt phá, xây dựng những chiến lược kinh doanh mới, tiếp cận với khách hàng thông qua kênh phân phối thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Sendo, Lazada,...Đây là cơ hội giúp doanh nghiệp đứng vững trên thị trường kinh doanh cũng như tạo sự uy tín và tiện ích đến khách hàng. Tuy nhiên, thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, những hành vi lừa đảo trên thương mại điện tử là hình thức đáng quan ngại cho người mua lẫn người bán. Vậy tại sao lại có cả người bán ở đây? Chắc hẳn các bạn sẽ thắc mắc giống Tròn vì trước giờ thông tin lừa đảo chỉ xuất phát từ người bán lợi dụng lòng tin của khách hàng để trục lợi. Thực tế, nhiều “vị thượng đế" đã khiến các chủ shop điêu đứng, thậm chí phải rút lui trên sàn thương mại điện tử trong sự uất ức. Để lý giải vấn đề này, Tròn House sẽ đưa các bạn nhìn sự việc ở khía cạnh khác, người bán trở thành nạn nhân bị khách hàng “lừa đảo".

 

Những lỗ hổng trong chính sách bảo vệ người tiêu dùng

Shopee là sàn thương mại điện tử được sử dụng rộng rãi phục vụ nhu cầu mua bán mọi lúc mọi nơi cho người dùng. Đặc biệt, phải kể đến chính sách bảo vệ người tiêu dùng của Shopee. Khách hàng sẽ cảm thấy yên tâm và an toàn hơn khi lỡ mua phải sản phẩm kém chất lượng. Chính sách của Shopee cho phép người mua sau khi nhận sản phẩm có thể gửi yêu cầu trả hàng trong vòng 3 ngày. Quy trình đổi trả hàng cũng rất đơn giản, chỉ cần minh chứng rõ ràng chi tiết sản phẩm nhận được như bị lỗi, sản phẩm không đúng mô tả, hay giao thiếu hàng,.... Nếu cả hai bên đạt được thỏa thuận chung với nhau và người bán không có khiếu nại, đồng nghĩa yêu cầu trên của người mua sẽ được Shopee tự động chấp nhận trong vòng 2 ngày. 

 

chụp hình ảnh sản phẩm tròn house

chụp hình ảnh sản phẩm tròn house

Ảnh tổng hợp bởi Tròn House

 

Vậy nếu người bán không đồng ý phản hồi thì sao? Họ sẽ phải cung cấp các bằng chứng về hình ảnh, video lên Shopee chứng minh rằng yêu cầu của người mua không hợp lệ. Shopee sẽ xem xét bằng chứng mà hai bên cung cấp và liên hệ với người mua trong vòng 3-5 ngày làm việc tiếp theo để đưa ra hướng xử lý thoã đáng.
  

Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết, thực tế người bán đã gặp những tình huống “trớ trêu" đến từ lỗ hổng trong chính sách này. Phía sau tấm màn “Trả hàng/ Yêu cầu hoàn tiền" là những sự thật phũ phàng mà Tròn chẳng thể ngờ tới.

 

1/ Mua hàng lại chẳng tốn xu nào!

Nghe có vẻ khó tin khi bạn mua hàng mà chẳng hề tốn một xu nào? Tròn thắc mắc nên đã đi tìm hiểu và “kinh hoàng” hơn khi đọc một bài viết hướng dẫn hình thức mua hàng này. Các bạn chắc cũng không thể ngờ được lại có những bộ phận “dày mặt" lạm dụng lỗ hổng trong chính sách Shopee để thực hiện những việc tồi tệ thế này. 

 

chụp hình ảnh sản phẩm tròn house

Ảnh tổng hợp bởi Tròn House

 

Những vị khách “lừa đảo" thường không bỏ sót bất kỳ mặt hàng nào, miễn chúng sở hữu được những món đồ chiếm đoạt được từ người bán. Theo như chia sẻ ở trên, thủ đoạn chúng sử dụng cực kì đơn giản: sau khi nhận sản phẩm, người mua chỉ việc bấm vào Trả hàng/ Yêu cầu hoàn tiền với lý do sản phẩm không đúng mô tả,...Nhưng để tạo nên tính chân thật, chúng sẽ gửi hình ảnh và video cho Shopee, và dĩ nhiên mọi thứ có thể được dựng “khống". Và nếu các shop không quay video lại những sản phẩm trước khi gửi đi cho khách hàng để làm minh chứng, thì Shopee sẽ “xử thua" khi hai bên xảy ra tranh chấp.

 

chụp hình ảnh sản phẩm tròn house

Nguồn: Internet

 

Một câu chuyện được bạn N.P chia sẻ tại một group kín trên Facebook, bạn từng là nạn nhân của câu chuyện “mất hàng lẫn mất tiền". Bạn cho biết, những đối tượng lừa đảo thường sẽ chọn những món đồ có trị giá cao, cứ thế chúng “giả nai" đặt hàng và nhận hàng như bình thường. Vẫn là chiêu cũ, một cú click vào “Trả hàng/ Yêu cầu hoàn tiền" với lý do hàng hóa không rõ nguồn gốc. Shopee cực kì nhạy cảm với cụm từ “lừa đảo", nên chắc chắn 100% chủ shop sẽ bị thua một cách uất ức. Chấp nhận thua, nhưng “sốc" hơn khi chủ shop nhận hàng hoàn về. Nhẹ thì tráo hàng, nặng thì “gạch đá". Thực tế, khi bạn gửi video sản phẩm này cho Shopee, bạn sẽ chỉ tức điên vì bị án phạt: Vu khống. Những shop dù mất trắng nhưng vì muốn yên ổn kinh doanh nên cũng chẳng truy cứu đến cùng.

 

chụp hình ảnh sản phẩm tròn house

Ảnh tổng hợp bởi Tròn House

 

Một trường hợp khác, chủ shop thời trang gặp ngay khách hàng “giàu có" đặt hàng với số lượng lớn. Bạn M.Nguyễn chia sẻ: “ Vào một ngày đẹp trời, mình nhận được đơn đặt 8 chiếc đầm liền. Thường khách mua nhiều, họ sẽ thường inbox để được giảm giá hoặc mua sỉ. Mình cũng khá nghi ngờ nên đã bảo hết mẫu để thử phản ứng của khách như thế nào. Sau đó khách huỷ đơn và đặt lại 4 cái. Mình kiểm tra từng đầm rất kỹ, và quyết định giao hàng. Thế là shipper đi giao nhưng khách hẹn đi hẹn lại mấy lần mới nhận. Vừa nhận hàng, khách phản hồi mình bảo 4 cái đều bị lỗi, chê rất nhiều, thâm chí còn nói mình giao thiếu phụ kiện. Mình đã biết những mánh khoé như thế này, nên nói khách hàng cứ hoàn hàng về hết cho mình. Khách gửi yêu cầu Trả hàng hoàn tiền, mình chuẩn bị bấm vào đồng ý thì ngay lập tức khách đổi yêu cầu Hoàn tiền ngay. Nói đến đây, bạn hiểu được vị khách này như thế nào rồi đúng không? Tất cả mọi thứ như bill, mã vận đơn trả hàng đều giả mạo, nhưng vì bận nên mình cũng không check kỹ. Mình chờ hàng hoàn về, và các bạn đoán xem như thế nào? Mình nhận được hàng, đồ thì đã qua sử dụng, mùi xà bông nồng nặc, mất nhãn tag, trộn 2 bộ đồ của shop khác gửi cho mình. Mình thật sự bị “khủng hoảng" với những vị khách như thế này.”

 

2/ Nhẫn nhịn chịu đựng thiệt hại dù biết bị ăn "lừa"

Thương hiệu, hình ảnh, uy tín và chất lượng sản phẩm là những tiêu chí thu hút khách hàng, đặc biệt khi kinh doanh trên thương mại điện tử. Nếu nhìn ở khía cạnh một người mua hàng các bạn sẽ khó khách quan được những thiệt hại mà người bán hàng phải hứng chịu. Nhưng khi các bạn là người bán, những câu chuyện ở trên là minh chứng ảnh hưởng rất nhiều đến sự sống còn của một doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên thương mại điện tử. Các chính sách trên thương mại điện tử vẫn chưa có cái nhìn tổng quát khi chỉ nhìn nhận nạn “lừa đảo" từ một phía. Vô tình biến các chủ shop thành kẻ “yếu thế” trên thị trường kinh tế. 

 

chụp hình ảnh sản phẩm tròn house

Nguồn: Internet

 

Theo chia sẻ từ anh Nguyễn Hoàng T (Đà Nẵng): “ Việc quay clip cận cảnh từng gói hàng trước khi gửi đi là điều khó có thể thực hiện được. Chi phí lắp đặt camera với anh không quá tốn kém, nhưng chính những vấn đề về lưu trữ dữ liệu cũng như tốn quá nhiều thời gian. Thông thường, với khoảng 1000 đơn gửi cho khách, sẽ có tỷ lệ một vài đơn hàng khi hoàn lại shop bị hư hại, hoặc thậm chí là đánh tráo. Tuy nhiên số lượng đơn xuất đi hàng tháng của shop mình quá lớn, không thể quay từng đấy video do số lượng nhân viên có hạn, trong khi năng suất làm việc cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.”

 

chụp hình ảnh sản phẩm tròn house

Nguồn: Kênh 14

Câu chuyện “tái mặt" khác khi chủ shop kinh doanh điện thoại trên Shopee gặp phải “thượng đế" thực hiện chiêu trò hoàn hàng. Bất ngờ, mở chiếc thùng hoàn hàng là một chiếc iPhone 7 trị giá 4,2 triệu đồng được gửi trả với lý do máy bật không lên, anh Tùng “hoảng hốt”  khi trong thùng chỉ có một chiếc điện thoại đập đá với giá trị chỉ gần 200 nghìn đồng. Do từng nghe nói về những trường hợp này nhiều lần trước đây, anh đã gửi bằng chứng lên Shopee để khiếu nại. Tuy nhiên, đại diện của Shopee đã từ chối xử lý vụ việc do video quay mã vận đơn không rõ nét.

 

Một chính sách tốt và an toàn cho người tiêu dùng là tiêu chuẩn cơ bản khi kinh doanh trên thương mại điện tử. Tuy nhiên, khách hàng lại bám vào sự hậu thuẫn của chính sách đó nhằm thực hiện những ý đồ chiếm đoạt tài sản. Và nếu bạn là người bán, thật sự bán sẽ rất áp lực với những trường hợp trên. Khi yêu cầu “ngang ngược" của khách hàng không được chấp thuận, bạn sẽ bị đe doạ, thậm chí xúc phạm danh dự và nhân phẩm của bạn. Thực tế cho thấy, những vị khách hàng này luôn tìm mọi cách phá bạn, mục đích cũng chỉ để mang lợi ích về cho cá nhân họ. Và dĩ nhiên, người bán sẽ thiệt hại nhiều thứ như doanh thu, uy tín, hàng hoá,...

 

Nguồn: Internet

 

Sự hài lòng của khách hàng chính là thước đo giá trị cho sản phẩm được bán ra. Chính yếu tố này, mà các chính sách về bảo vệ người tiêu dùng ngày càng được cải thiện. Thực tế, một số khách hàng đã cố ý lạm dụng để thực hiện những chiêu trò chiếm đoạt tài sản, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh và uy tín cho các chủ shop trên thương mại điện tử. Câu chuyện trên không chỉ cảnh báo đến người bán về những thủ đoạn lừa đảo từ khách hàng mà còn sự thấu hiểu cho người bán khi họ chính là những nạn nhân chịu thiệt thòi nhưng không thể lên tiếng. 

 

Cùng Tròn xem qua những chiêu trò của người mua hàng trên Shopee do Lập nghiệp cùng Shopee thực hiện.


 

XEM THÊM: 

[TRÒN HOUSE] NHỮNG CHIÊU TRÒ LỪA ĐẢO QUA FACEBOOK GÂY RÚNG ĐỘNG

[TRÒN HOUSE] NHỮNG CHIÊU TRÒ LỪA ĐẢO THỜI 4.0 VÀ DẤU HIỆU PHÒNG TRÁNH

[TRÒN HOUSE] NHỮNG DẤU HIỆU BẠN SẮP BỊ LỪA ĐẢO TRÊN FACEBOOK

TRÒN HOUSE