Ngành làm đẹp đã bị ảnh hưởng bởi đại địch như thế nào? Doanh nghiệp nên làm gì để tiếp tục phát triển?

 

 

      Nội dung bài viết:

    I. 
Ảnh hưởng của dịch bệnh đến ngành làm đẹp nói chung

    II. 
Xu hướng chi tiêu của khách hàng trong đại dịch


    III. Kết luận

 

Đại dịch Covid đã kéo dài hơn một năm kể từ ngày xuất hiện ca nhiễm đầu tiên, toàn bộ thế giới bị bao phủ bởi một màu sắc ảm đạm của nỗi lo về bệnh tật kéo theo cuộc đại suy thoái, tất cả các ngành nghề kinh tế đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong nội dung bài hôm nay, Tròn xin đề cập đến một ngành nghề ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều nhất, đó là ngành công nghiệp làm đẹp.

 

Cũng như các lĩnh vực khác trong cuộc sống, ngành làm đẹp (bao gồm chăm sóc da, mỹ phẩm màu, chăm sóc tóc, và chăm sóc cá nhân) - Spa - mỹ phẩm ( mỹ phẩm màu, nước hoa,...) cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi người tiêu dùng được khuyến cáo nên ở nhà, tránh tụ tập đám đông và yêu cầu đeo khẩu trang khi ra đường.

 

Việc trang điểm, chăm sóc da tại các cơ sở làm đẹp đã sụt giảm đến mức thấp nhất, doanh số bán hàng trong quý đầu tiên 2020 rất yếu, buộc nhiều cửa hàng trên toàn thế giới phải đóng cửa. Hệ thống Boots UK (chuỗi cửa hàng thuốc) đã báo cáo doanh số bán hàng tổng thể của họ đã giảm 2/3 trong trong quý 2/2020, trong đó bao gồm doanh thu từ các sản phẩm làm đẹp. Khảo sát người tiêu dùng Anh cho biết họ dự kiến ​​sẽ chi tiêu ít hơn khoảng 50% cho các sản phẩm làm đẹp so với bình thường.

 

Ngay tại Việt Nam, dù tình hình dịch bệnh được khống chế tốt, các cửa hàng vẫn được mở cửa, nhưng số lượng khách vào đã giảm, số tiền chi tiêu cho mỹ phẩm cũng bị hạn chế, giảm 3% vào quý 2/2020 (Theo iPrice.vn)

 

Dù ngành công nghiệp này cũng đã có những phản ứng kịp thời bằng việc chuyển sang sản xuất nước rửa tay và chất làm sạch, tuy nhiên vẫn chưa đủ, hàng triệu việc làm vẫn đang chờ đợi xu hướng lâu dài và vững bền hơn, phải vừa phòng tránh covid nhưng cũng phải đảm bảo được công việc. 

 

Hãy cùng Tròn đi sâu và xem xét nhé!

 

Ảnh hưởng của dịch bệnh đến ngành làm đẹp nói chung

 

Trước covid, tại hầu hết các thị trường có sự phát triển ngành công nghiệp làm đẹp, việc mua sắm tại cửa hàng sẽ chiếm tới 85% các giao dịch mua sản phẩm làm đẹp trước cuộc khủng hoảng COVID-19. 

 

Source: McKinsey

 

Hiện tại, người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu ít hơn cho mỹ phẩm, nhất là mỹ phẩm màu (đồ trang điểm), đồng thời hạn chế việc mua sắm tại các cửa hàng. Điều này dẫn đến việc đóng cửa các cửa hàng bán sản phẩm làm đẹp, nhất là làm đẹp cao cấp trong dịch COVID-19, theo McKinsey, ước tính có khoảng 30% thị trường ngành làm đẹp đã bị đóng cửa, một số cửa hàng trong số này sẽ đóng cửa vĩnh viễn, hoặc phải chờ đợi ít nhất một năm để xem xét việc mở cửa lại. 

 

Tuy nhiên, dù vẫn chật vật trong đại dịch, bị ảnh hưởng về mặt kinh tế, nhưng đầu năm 2021 vẫn có những tín hiệu cho thấy ngành công nghiệp làm đẹp, đang có bước chuyển biến tốt  hơn, làm dấy lên hy vọng phục hồi trong tương lai. 

 

Theo Bnews.vn, tập đoàn mỹ phẩm L'Oreal của Pháp, lần đầu tiên doanh thu, vào quý I năm nay đã vượt mức trước đại dịch COVID-19, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020. Phần lớn là đến từ thị trường Châu Á, nhất là Trung Quốc, cùng với hoạt động bán hàng online sôi động.

 

Xu hướng chi tiêu của khách hàng trong đại dịch

 

Trong kinh doanh mỹ phẩm, với nhiều thách thức như nhiều người lựa chọn làm việc tại nhà, những yêu cầu về việc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang đã làm việc trang điểm, sử dụng nước hoa trở nên ít quan trọng hơn. Nếu ai đó có thể đi làm, họ vẫn yêu cầu phải đeo khẩu trang tại nơi làm việc, thì việc trang điểm cũng không quan trọng nữa. McKinsey đã thu thập thông tin từ các nhà thời trang uy tín và nhận thấy việc mua sắm mỹ phẩm và nước hoa giảm lần lượt là 55 và 75% so với một năm trước. 

 

Tuy nhiên lại có những báo cáo của Zalando (trang thương mại điện tử đa quốc gia có trụ sở tại Đức) về việc gia tăng các xu hướng ngoại lệ như phương pháp điều trị trên mặt. Các sản phẩm chăm sóc da, chăm sóc tóc và tắm, chăm sóc cơ thể đang dần thịnh hành sang xu hướng chăm sóc và nâng niu bản thân, làm từ nguyên liệu tự nhiên, không ảnh hưởng môi trường.

 

Sau đây là những mặt hàng được Amazon dự báo sẽ tăng nhanh trong danh mục sản phẩm chăm sóc sắc đẹp để nuông chiều bản thân và tự chăm sóc: sản phẩm giải độc, chăm sóc da, móng tay và tóc

 

Source: McKinse

 

Lối đi nào doanh nghiệp trong tình hình hiện nay?

 

Tình hình của ngành làm đẹp - spa - mỹ phẩm tại Việt Nam tuy có khó khăn, nhưng vẫn phần nào trụ được do tình hình dịch bệnh được khống chế phần nào. Tuy nhiên để giữ cho sự tăng trưởng trong tương lai, vẫn cần những hành động điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng của dịch bệnh và thời cuộc.

 

Đối với mỹ phẩm và làm đẹp, mỹ phẩm sạch (clean beauty) được dự đoán sẽ trở thành một xu hướng làm đẹp được hưởng ứng tích cực, người tiêu dùng đã phần nào bỏ qua một phần của makeup để hướng đến việc skincare, những nguyên nhân chủ yếu như: thói quen hàng ngày không thể bỏ, những vấn đề về da xảy ra do việc đeo khẩu trang thời gian dài cũng như việc trang điểm trong hiện tại chưa quá cần thiết như lúc trước, đồng thời cũng bắt nguồn từ việc nhận thức lại cái giá trị của tự nhiên, vốn được kích ứng từ việc nguồn gốc của đại dịch bắt nguồn từ việc con người đã không chú ý bảo vệ môi trường của mình.

 

 

Do đó, các hãng mỹ phẩm chuyển hướng sang sử dụng các thành phần tự nhiên, an toàn sẽ được ưa chuộng hơn, chỉ cần các hãng có thể đảm bảo tính minh bạch của những thành phần “sạch, tự nhiên” có chứa trong sản phẩm trước người tiêu dùng. Với xu hướng này, cần đến sự nhận thức đồng đều của người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất.

 

Những hãng mỹ phẩm hiện nay đang có xu hướng chuyển sang kinh doanh online. Trên các sàn thương mại  điện tử, đều cho phép việc đặt gian hàng riêng của hãng, giúp khách hàng xóa đi nỗi lo về hàng giả, kém chất lượng khi mua sắm.

 

Đối với những cơ sở làm đẹp như Spa, năm 2020 là một năm khó khăn nhất mà các cơ sở này phải chịu đựng. Với việc các đợt dịch diễn ra liên tục, các cơ sở làm đẹp luôn là nơi bị yêu cầu dừng hoạt động đầu tiên.

 

Do đó, việc sống chung với lũ là điều không thể tránh khỏi, yêu cầu các nhà quản lý phải học được cách vận hàng trong thời điểm này như tinh gọn lại bộ máy hoạt động, đẩy mạnh marketing online nhiều hơn trên các nền tảng như Facebook, Instagram, Tiktok,... đảm bảo an toàn cho người lao động cũng như khách hàng. 

 

Bên cạnh đó, cần tung ra những gói khuyến mãi hoặc những dịch vụ thiết yếu nhất cho phái đẹp, khuyến khích họ sử dụng ngay và có tác dụng trong thời gian ngắn.

 

Kết luận:

 

McKinsey dù chỉ ra rằng 2020 là năm tồi tệ nhất mà ngành công nghiệp làm đẹp từng chịu đựng, nhưng họ tin rằng ngành sẽ vẫn hấp dẫn trong dài hạn, điều đó là do định nghĩa về cái đẹp luôn gắn liền với ý thức hạnh phúc của cá nhân, luôn khiến cho con người cảm thấy thoải mái và thư giãn. 

 

Do đo xu hướng phát triển của ngành làm đẹp - Spa - mỹ phẩm dù theo hướng nào cũng không thể rời bỏ được những nhận thức này, các chủ doanh nghiệp cần phải điều chỉnh hướng tiếp cận mới của mình, để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động hiệu quả hơn. Chúng ta hoàn toàn có lý do để hy vọng vì một ngày mai tốt đẹp hơn.

 

 

 

 

Xem thêm:

TỔNG HỢP : TRÒN HOUSE.