CÓ NÊN ĐƯA NGÀNH CÔNG NGHIỆP LIVESTREAM BÉO BỞ VÀO VIỆT NAM?

 

Sự thành công vượt ngoài mong đợi của công nghệ livestream tại Trung Quốc đã trở thành trào lưu kinh doanh cho các nước khu vực lân cận. Do vậy, không thể phủ định khi nói rằng nhờ công nghệ livestream mà các doanh nghiệp thu hàng bạc tỷ đô mỗi năm.

 

Livestream - Miếng bánh béo bở tại thị trường Trung Quốc 

 

Nhờ tính năng giải trí, thương mại hóa ngày một đổi mới, nâng cấp không ngừng, diện mạo ngành công nghiệp livestream như đã được tân trang một màu sắc mới. Rất nhiều các cá nhân tận dụng vào công nghệ livestream để chia sẻ tranh luận về một vấn đề nóng hổi trên mạng xã hội hay chỉ đơn giản hát vài bài cho những người hâm mộ mình đã có thể kiếm được 3 triệu nhân dân tệ/năm. Đây là trường hợp điển hình của anh Xuchen Li, từ một chuyên viên phân tích kiểm toán, anh đã từ bỏ để quyết định theo đuổi nghề streamer trên ứng dụng Inke. Hầu hết các nguồn thu nhập chính của anh đều đến từ các quà tặng ảo hay nạp tiền của người hâm mộ. Anh Li chia sẻ trung bình mỗi ngày anh nhận được 13.140 nhân dân tệ (tương đương với 1.957 USD) tiền quà tặng ảo từ người hâm mộ. 

 

Trước sự bùng nổ của ngành công nghệ livestream không những thu hút những cá nhân nhỏ lẻ như anh Xuchen Li mà còn lan rộng đến các chủ doanh nghiệp lớn. Điển hình như tỷ phú Jack Ma - nhà sáng lập Alibaba hay còn gọi là Liang Jianzhang, ông tham gia cuộc thi bán hàng online cùng ngôi sao livestream Austin Li Jiaqi, được mệnh danh là “vua son môi”, người đã từng bán 15.000 thỏi son chỉ trong vòng 5 phút trên Taobao Live. Thông qua cuộc thi trên, đã thu hút hàng triệu lượt người xem, đồng thời, tăng lượng doanh số sản phẩm chỉ trong vài tiếng livestream. 

 

  Nguồn: Heshan Perera

 

Tại sao livestream lại dễ dàng trở thành trào lưu của người tiêu dùng?

 

Có thể nói, trong thời đại công nghệ 4.0, việc mua hàng online dường như đã trở thành xu hướng mạnh mẽ trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Thay vì lựa chọn hình thức mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng, người tiêu dùng có khuynh hướng quan tâm đến việc mua sản phẩm qua hình thức livestream. 

 

Thông qua công nghệ livestream, người dùng không mất nhiều thời gian để di chuyển đến cửa hàng trực tiếp mua sản phẩm; đồng thời, dễ dàng nhìn thấy sản phẩm thực tế, ước lượng được kích cỡ sản phẩm khi mua. Bên cạnh sự tiện lợi, người tiêu dùng còn yêu thích tính tương tác giữa người mua và họ trên công nghệ livestream. Một người bán hàng có kiến thức về sản phẩm cùng thái độ niềm nở, phong cách nói chuyện hài hước sẽ dễ dàng thu hút được nhiều lượt xem trên kênh livestream của họ. Đồng thời, tạo ra “hiệu ứng đám đông”, đẩy mạnh sức mua của người tiêu dùng. 

 

Nguồn: Campaign Creators 

 

Về phía chủ doanh nghiệp, nhờ công nghệ livestream, họ không cần phải tốn chi phí thuê mặt bằng hay chi trả lương cho nhân viên bán hàng. Chưa dừng tại đó, thông qua livestream, chủ doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn khách hàng khổng lồ mà không cần sự hỗ trợ của các công cụ marketing, PR hay tốn chi phí quảng cáo, đặc biệt nếu sử dụng KOLs để livestream sản phẩm thì con số lượt tương tác người xem lại tăng lên gấp bội, tạo thành cộng đồng fanclub; đồng thời, giúp doanh nghiệp dễ dàng tăng doanh số bán hàng. 

 

Điển hình, tại Trung Quốc có tài khoản tên Xin Ba, tên đầy đủ là Xin Youzhin đã bán được 42,5 triệu bộ sản phẩm dưỡng da của thương hiệu Whoo Korean. Nhờ việc bán hàng qua kênh livestream đã giúp anh thu về được 400 triệu nhân dân tệ (tương đương 57 triệu USD) vào ngày lễ độc thân 11/11. Đây có thể gọi là giấc mơ đổi đời hay cánh cổng mở đường cho những ai tham vọng làm giàu thông qua việc kinh doanh online. Để livestream trở thành kênh bán hàng hiệu quả, anh Xin đã chia sẻ quan điểm bán hàng của anh là chất lượng sản phẩm mà anh bán ra phải tương xứng với giá trị đồng tiền khách hàng đã bỏ ra. Chính vì vậy, nhờ sự chuyên nghiệp trong phương thức hoạt động, anh không những nhận về lượng người hâm mộ vô cùng lớn mà còn thu hút đến các nhãn hàng, thương hiệu. 

 

Nguồn: Austin Distel 

 

Trước xu hướng của ngành livestream Trung Quốc, các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam đã có những động thái gì? 

 

Trước cơn bão lan tỏa của ngành công nghiệp livestream tại thị trường Trung Quốc và tình hình chuyển biến phức tạp của COVID-19, các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam như Lazada, Tiki, Sendo và Shopee đã bắt đầu chạy mô hình thử nghiệm bán hàng, quảng bá sản phẩm qua hình thức livestream trực tuyến. 

 

Thực hiện chiến dịch “Ở nhà không khó - Có Shopee lo”, Shopee lựa chọn livestream là hình thức mua bán sản phẩm chính, nội dung của những buổi livestream hướng đến chương trình khuyến mãi, săn sale, săn xu nhằm đáp ứng cơn khát mua sắm của khách hàng trong những ngày đại dịch. Ngoài ra, Shopee còn thực hiện những buổi livestream như trò chuyện cùng người nổi tiếng… được sắp xếp theo định kỳ. Vào tháng 9/2019, Shopee đã mời siêu sao cầu thủ bóng đá nổi tiếng Ronaldo tham gia vào buổi livestream trực tuyến. Nhờ áp dụng chiến dịch này, Shopee đã hình thành nên thói quen truy cập hàng ngày của người tiêu dùng; đồng thời, đẩy mạnh sức mua của người tiêu dùng thu về lợi nhuận khổng lồ. 

 

Nối gót Shopee, Sendo không hề kém cạnh trong việc thực hiện chiến dịch livestream trong những ngày đại dịch. Khác với Shopee, Tiki hay Lazada, Sendo tập trung dùng những người có ảnh hưởng trong lĩnh vực game, tổ chức các trận đấu mang tính biểu diễn để thu hút người xem và phát livestream trên nền tảng. Những streamer nổi tiếng được mời như Misthy, Nam Blue, Ngân Sát Thủ: Hạ Mi, đây là những người có ảnh hưởng trong cộng đồng game thủ cực kỳ lớn.           

 

Nguồn: You X Ventures

 

Có thể nói, công nghệ livestream dường như đã trở thành bước ngoặt to lớn trong việc kinh doanh online trên toàn cầu. So với đất nước tỷ dân, ngành công nghiệp livestream của Việt Nam còn chưa phát triển bằng. Tuy nhiên, thông qua các dữ kiện trên, nói không ngoa khi khẳng định rằng trong tương lai Việt Nam sẽ ngày một phát triển hơn nữa trong ngành công nghiệp livestream. 

 

 

Đọc thêm:

 Dịch vụ sản xuất video quảng cáo sáng tạo

 BÁN HÀNG QUA LIVESTREAM TRÊN CÁC SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ - TRỢ LỰC CHO NHIỀU NHÀ BÁN LẺ THỜI DỊCH

 GAMING STREAMER - "ÁNH SÁNG MỚI" CHO INFLUENCER MARKETING SAU CƠN BÃO COVID-19

TRÒN HOUSE

Nguồn tham khảo: Tổng hợp