Bán hàng online có còn "dễ xơi" sau đại dịch?

 

     Nội dung bài viết:

    I. 
Người người nhà nhà đều kinh doanh online

    II. 
Các kênh bán hàng đã bắt đầu thu phí


III. 
Những chiêu trò và cạm bẫy diễn biến phức tạp

 

Bán hàng online dự báo sẽ bùng nổ không ngừng trong năm nay. Tuy nhiên, “mảnh đất màu mỡ” này bên cạnh cơ hội thì vẫn còn đó những thách thức và rủi ro khôn lường.

 

Năm 2020 là giai đoạn “buồn” của nền kinh tế với sự ảnh hưởng nghiêm trọng về đời sống con người gây ra bởi đại dịch Covid-19. Từ các tập đoàn lớn đến những doanh nghiệp vừa và nhỏ, đâu đâu cũng cắt giảm nhân sự, thất nghiệp và kinh doanh thua lỗ diễn biến không ngừng. Giữa bối cảnh đó, bán hàng online đột nhiên nổi lên như một hiện tượng và được xem như là “chiếc phao cứu cánh” cho những nhà kinh doanh. Tuy nhiên, đến hiện tại thì thị trường kinh doanh online có còn “dễ xơi” sau khi đại dịch qua đi? Cùng Tròn điểm qua một vài sự kiện đặc sắc giữa thời điểm biến động hiện nay nhé.

 

Người người nhà nhà đều kinh doanh online

 

Câu chuyện kinh doanh online vốn đã có từ lâu, tuy nhiên đến năm 2020 thì loại hình này mới thật sự bùng nổ. Có thể bạn không khó để thấy rằng người người nhà nhà hiện nay đều bán hàng online trên khắp các trang mạng xã hội.

 

Nguồn: VTC News

 

Cụ thể, nền tảng Facebook có mọi sản phẩm mà bạn cần tìm, từ quần áo và đồ ăn cho đến các vật dụng cá nhân hay nhu yếu phẩm. Đa số mọi người đều nắm bắt xu hướng kinh doanh rất tốt, họ bán những mặt hàng là sở trường của mình hoặc các sản phẩm đang là “trend” hiện nay. Với thao tác mua hàng nhanh chóng, dễ dàng và chỉ cần vài cú click chuột thì bạn sẽ được giao hàng đến tận cửa nhà mình.

 

Với thị trường bán buôn online nói riêng, đại dịch Covid cũng góp phần trong việc mở rộng thị trường này. Ngoài sự tham gia của nhiều nhà bán hàng, nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dùng cũng tăng không kém. Nguyên do là đại dịch diễn biến phức tạp và Bộ Y Tế khuyến cáo hạn chế tụ tập đông người, đa phần người dùng đã chuyển từ hình thức mua trực tiếp sang trực tuyến. Vì lẽ đó, đây là “thời cơ” để bán hàng online phát triển mạnh mẽ.

 

Nguồn: TravelMag

 

Hơn nữa, đến lúc tình hình dịch bệnh được kiểm soát, hình thức này vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt, bởi người dùng đã quen dần với cách mua sắm này. Đó cũng là một cơ hội lớn cho nhiều nhà bán hàng online.

 

Các kênh bán hàng đã bắt đầu thu phí

 

Nhiều nền tảng online sau giai đoạn hỗ trợ để thu hút nhà bán hàng đã bắt đầu chuyển sang hình thức thu phí. Khi đó, các loại phí này nếu tính tất cả thì lại không hề thua chi phí bán hàng trực tiếp như siêu thị.

 

Nguồn: Sapo

 

Vì thế, khi bán hàng online trên các sàn, doanh nghiệp nên nghiên cứu thật kỹ khách hàng mục tiêu, chọn lọc những chương trình ưu đãi phù hợp để tham gia. Trên thực tế, có sản phẩm kinh doanh được trên sàn này nhưng lại không kinh doanh được trên sàn kia. Thậm chí, nếu bạn không rà soát và kiểm tra kỹ thì có thể gian hàng gặp tình trạng bị khóa bởi một đánh giá không tốt từ một khách hàng.

 

Bên cạnh đó, Facebook từng là nền tảng miễn phí cho người người nhà nhà buôn bán đa dạng các sản phẩm. Thế nhưng, đến hiện tại thì mạng xã hội này cũng đã có động thái “siết chặt” hơn, buộc các nhà bán hàng phải đổ dồn nhiều chi phí quảng cáo mới tiếp cận được khách hàng. Đặc biệt, chi phí để sở hữu một khách hàng mới từ nền tảng này cũng tăng phi mã - tình trạng tăng giá chung với mức độ 2 hay 3 chữ số của nền kinh tế.

 

Nguồn: SBTN

 

Chẳng hạn như, một doanh nghiệp kinh doanh nông sản chọn bán hàng online trên Facebook, doanh nghiệp tính được chi phí để có một khách hàng mới trong năm 2020 rơi vào con số 200 nghìn VND, gấp 6 lần trước khi đại dịch bùng phát.

 

Những chiêu trò và cạm bẫy diễn biến phức tạp

 

Đa số nhà bán hàng mới tham gia vào việc kinh doanh online thường chưa trang bị đầy đủ kỹ năng buôn bán, kiến thức về sản phẩm và một “cái đầu tỉnh táo” để lường trước các rủi ro.

 

Cũng bởi vì không có kiến thức về mặt hàng mà mình chọn kinh doanh, nhiều người đã chọn nhầm nguồn hàng không uy tín, hay bị “gài bẫy” bởi nguồn hàng giả hàng nhái kém chất lượng. Thế nên, hậu quả mà những người này nhận lại không những là mất sự tin cậy từ khách hàng, mà còn phải bồi thường cho họ nếu sản phẩm không tốt. Tình trạng xấu hơn là có thể bạn sẽ mất hết vốn liếng nhập nguồn hàng này.

 

Nguồn: Vietnamnet

 

Chưa hết, một số người còn dùng các chiêu trò để cạnh tranh không lành mạnh với những shop kinh doanh cùng mặt hàng. Theo một người bán hàng tên N.Đ.L (Nam Định), anh đã từng gặp phải trường hợp bị đối thủ chơi xấu. Họ đặt hàng món ăn từ tiệm của anh, sau đó những người này đã tráo đổi nói rằng thức ăn của tiệm anh hết hạn, hư hỏng. Họ tiếp tục “tố cáo” anh trên mạng xã hội khiến anh mất uy tín và thương hiệu xây dựng bấy lâu nay.

 

Tuy bán hàng online rất thịnh hành hiện nay những không phải là “miếng bánh ngon” như ngày xưa nữa. Bởi lẽ, khi ai ai cũng nhảy vào để tìm kiếm cơ hội cho mình thì đồng nghĩa rằng sự cạnh tranh ngày một tăng lên.

 

Bạn nên chuẩn bị cho mình một hành trang kỹ lưỡng với kiến thức và kinh nghiệm đầy đủ, cùng đó là sự kiên trì cao ngút. Đặc biệt, bạn hãy đặt cái tâm vào trong kinh doanh thì sẽ sở hữu được thành công nhất định cho bản thân mình. Giống như cách mà mọi người hay thường nói rằng “Có tâm ắt sẽ có tầm”.

 

Với những chia sẻ trên, Tròn hy vọng đã mang đến những điều hữu ích để bạn có thể đúc kết được kinh nghiệm xương máu cho mình. Hãy đón đọc thêm những bài viết khác tại chuyên mục Blog trên website Tròn House bạn nhé!


 

Xem thêm:

TRÒN HOUSE