WeFit sụp đổ sau hơn 3 năm hoạt động, đối tác, nhà đầu tư và khách hàng của Wefit sẽ đi về đâu?
Wefit là một sản phẩm thuộc ứng dụng WeWow - nền tảng đột phá trong lĩnh vực phong cách sống. Chính thức ra đời và tháng 03/2017, Wefit trong hơn 3 năm hoạt động là mô hình đặt lịch tập luyện tiên phong và duy nhất tại thị trường Việt Nam. Mặc dù là cái tên sáng trong làng startup công nghệ, nhưng ngày 11/05 vừa qua, Wefit đã viết thư xin lỗi khách hàng và đưa ra thông báo phá sản chính thức.
Wefit được coi là "Uber trong lĩnh vực phòng tập" đã tuyên bố chấm dứt mọi hoạt động của mình, bao gồm: WeJoy, WeFit, WeFit Pago và WeFit Point. CEO của công ty chủ quản hệ thống WeFit đã gửi đến đối tác và khách hàng của mình: “Khó khăn về tình hình kinh doanh và tài chính không lường trước được do tình hình dịch bệnh COVID-19, vốn hoạt động của chúng tôi đã cạn kiệt hoàn toàn”. Vậy nguyên do vì đâu mà WeFit lại phá sản? Đối tác, nhà đầu tư và khách hàng của Wefit sẽ đi về đâu?
Nguồn: Vnexpress
Wefit có gì thuận lợi và bất tiện cho người tiêu dùng?
Wefit hướng đến đối tượng khách hàng thường xuyên di chuyển nhiều nơi, giúp họ tìm được những phòng tập chăm sóc thể hình để luyện tập thuận lợi với một chi phí hợp lý. Khác với những địa điểm tập luyện cố định hằng tháng, bạn phải đăng ký đóng phí theo tháng hay theo năm cho phòng tập và chỉ được tập duy nhất ở một nơi, thì WeFit chính là điểm đến giúp bạn có thể tập bất cứ lúc nào, bất cứ môn nào và tại bất kỳ trung tâm nào thuận lợi nhất cho bạn. Wefit không phải cho khách hàng thuê hoặc sử dụng phòng tập như những trung tâm Fitness bình thường, cái mà Wefit bán cho khách hàng là sự linh hoạt và tiện lợi trong tập luyện. Trong khi đó, các trung tâm phòng tập khác cũng có thêm kênh khách hàng vãng lai tăng thêm thu nhập, tăng khả năng tối ưu hóa những khung giờ vắng khách trong ngày để tiết kiệm trên chi phí.
Nguồn: asiatechdaily
Mặc dù sản phẩm của WeFit nhắm đến giới trung lưu trẻ trung và năng động, có tiền, dễ tiêu xài, dễ gây ảnh hưởng và thích ứng với công nghệ; tuy nhiên sai lầm của WeFit chính là đã quá “ngây thơ” khi tính toán đến hành vi người dùng. Họ “lý tưởng hóa” hành vi của người dùng, kinh doanh dựa trên niềm tin vào “sự tử tế” của khách hàng, bỏ qua “sự chăm chỉ quá độ”, thậm chí bỏ qua sự gian lận của người dùng (nhiều người dùng chung một thẻ để tận dụng triệt để số tiền đã bỏ ra).
WeFit thu một khoản tiền cố định rồi trả tiền cho phòng tập mà khách hàng đến mỗi tháng, người tập ít sẽ trả tiền cho người tập nhiều. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, CEO Vinalink - một chuyên gia tiếp thị và tư vấn chiến lược truyền thông đã cho rằng WeFit đã học theo ClassPass với mô hình kinh doanh này. "Họ có thể thấy sai lầm của ClassPass nhưng không rút kinh nghiệm từ sớm hoặc nghĩ rằng sẽ tránh được ở thị trường Việt Nam", ông Tuấn Hà nói.
Thực tế là CEO của Wefit từng chia sẻ rằng có nhiều người dùng chung 1 tài khoản, có những tài khoản tập đến hơn 100 lần mỗi tháng - đỉnh điểm là 202 lần/tháng. Chính những lỗ hổng trong quản trị công nghệ và quản trị kinh doanh của Wefit đã khiến doanh nghiệp này lỗ nặng. Không chỉ thế, chính mô hình “kinh doanh chia sẻ” này đã có những rủi ro liên quan đến dòng tiền, khi chi phí để thu hút khách hàng là quá lớn mà lợi nhuận trên đầu người lại quá thấp. Lúc gặp những vấn đề về dòng tiền thì WeFit xoay sở không kịp, dẫn đến nợ quá nhiều, khiến nhiều đối tác quay lưng với họ.
Nguồn: cafebiz
Sự trượt dài và ảnh hưởng
Danh vọng là đòn bẩy, song nó cũng trở thành cạm bẫy khi WeFit không đầu tư vào sự vững vàng mà chỉ chú tâm đến việc mở rộng quy mô. Việc đầu tư để phát triển và mở rộng doanh nghiệp của WeFit không tương ứng với tầm vóc quản lý và quy mô tổ chức mà họ điều hành. Chưa sửa lỗi Fitness, Wefit lại tiếp tục phạm lỗi khi mở rộng sang beauty, khiến họ chết hai lần ở cùng một chỗ.
Việc còn tồn tại quá nhiều vấn đề trong quản lý, không lường hết được sự tinh quái của khách hàng đã làm cho doanh nghiệp này phải trả giá đắt. Có lẽ việc thiếu thấu hiểu về hành vi, không nắm rõ xu hướng của khách hàng đã khiến cho WeFit trượt dài trên những sai lầm của họ, tới mức không thể cứu vãn. Hãy khoan đổ lỗi cho sự “quá khôn” của khách hàng, ngay trong mô hình kinh doanh dựa trên niềm tin vào sự tử tế của WeFit đã khiến doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn.
Nguồn: 24h.com
Có lẽ khi Wefit tuyên bố phá sản, người mất nhiều nhất chính là những nhà đầu tư. Họ đã đầu tư vào doanh nghiệp từ vài tỷ đến chục tỷ đồng nhưng khả năng có thể lấy lại là rất thấp. Tất cả mọi thứ liên quan đến đầu tư đều phải tuân theo pháp luật, chờ tòa tuyên bố. Tuy nhiên Wefit là sản phẩm của công ty cổ phần, thuộc loại hình doanh nghiệp chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của công ty. Chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản trong phạm vi số vốn mà họ cam kết góp vào. Chính vì thế, khả năng mất trắng của các nhà đầu tư là rất cao.
Tiếp theo phải kể đến chính là những đối tác của Wefit. Dòng tiền âm của nhiều trung tâm liên kết, các spa đã nằm trong công nợ của WeJoy và WeFit lên tới hàng tỷ đồng. Phía công ty chỉ gửi mail xin lỗi thông báo phá sản, không đưa ra hướng giải quyết mà sẽ đợi tòa giải quyết. Nhiều đối tác nhỏ lẻ, quá phụ thuộc vào nền tảng thứ ba đã để công nợ quá lâu cũng có khả năng mất trắng trong thời gian tới. Vì tin tưởng bên phía WeFit sẽ thanh toán trong thời gian tới, nhiều chủ spa, trung tâm thể hình không kịp xoay sở khi công ty thông báo phá sản. Đằng sau sự tin tưởng này, chắc có lẽ các trung tâm nhỏ lẻ này cũng chỉ có thể lên tòa và chờ đợi phán quyết.
Nguồn: cafebiz
Sau khi WeFit tuyên bố phá sản, nhiều khách hàng bỏ cả chục triệu mua thẻ tập thể hình, yoga hay chăm sóc sắc đẹp đã liên hệ với doanh nghiệp này, nhưng máy bận hoặc được trả lời không hề thỏa đáng. Theo Điều 54 của Luật Phá sản, khi có quyết định tuyên bố phá sản, tài sản của WeFit sẽ được chi trả theo thứ tự ưu tiên như sau:
- Chi phí phá sản;
- Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và quyền lợi khác đối với người lao động;
- Khoản nợ phát sinh nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của Wefit (trong trường hợp có thể phục hồi hoạt động của WeFit);
- Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ phải trả cho chủ nợ không có đảm bảo và khoản nợ còn thiếu của chủ nợ bảo đảm khi mà giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Nguồn: vgcloud
Theo điều luật này, khách hàng đã nộp tiền mua thẻ tập được xem là chủ nợ không có đảm bảo của WeFit nên có thứ tự ưu tiên thanh toán cuối cùng. Do đó, có lẽ cơ hội để khách hàng đòi lại tiền sẽ thấp bởi doanh nghiệp phải ưu tiên trả nợ cho nhiều chủ nợ khác (chủ nợ có đảm bảo, người lao động,...). Nhưng thực tế, cái mà Wefit bán cho khách hàng là sự linh hoạt và tiện lợi trong tập luyện, chính vì thế nếu bán hết tài sản của doanh nghiệp này thì họ cũng rất khó để trả hết nợ cho nhà đầu tư, đối tác và khách hàng.
Mặc dù trên thực tế, khi khách hàng mua thẻ tập, tức là bạn đã ký một hợp đồng song song dịch vụ. WeFit thu tiền và có nghĩa vụ phải cung cấp dịch vụ cho khách hàng, tuy nhiên khi doanh nghiệp không thể cung cấp dịch vụ theo hợp đồng, họ được xem là vi phạm nghĩa vụ cơ bản và bạn có thể chấm dứt hợp đồng, yêu cầu hoàn lại tiền và yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên khả năng này còn phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng tài chính của WeFit có khả thi hay không. Trước mắt, bên phía WeFit đã thông báo về tình trạng cạn kiệt vốn nên khả năng thu hồi tiền của khách hàng là rất thấp.
Nguồn: cafebiz
Nhiều người cho rằng WeFit chết vì Covid-19, nhưng có lẽ WeFit đã hấp hối từ rất lâu trước đây. Covid-19 chỉ là nguyên nhân khiến cái chết của WeFit tới nhanh hơn. Vì thiếu đối tác đủ tầm dẫn dắt, thiếu người quản lý vận hành, thiếu khả năng quản lý tài chính và quản lý công nghệ đã khiến WeFit mặc dù có nhiều tưởng đẹp nhưng đã hoàn toàn sụp đổ sau hơn 3 năm hoạt động.
Đọc thêm:
>>> COVID-19 LÀ ĐÒN BẨY ĐỂ KINH TẾ SỐ VIỆT NAM ĐI NHANH, “ĐI TẮT”
>>> TRÀO LƯU BÁN HÀNG ONLINE CÓ THỂ ĐÁNH MẤT BẢN SẮC THƯƠNG HIỆU DOANH NGHIỆP ?
>>> MARKETING VÀ CHI PHÍ QUẢNG CÁO ĐÃ BỊ ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO BỞI COVID-19
TỔNG HỢP BỞI TRÒN HOUSE