Covid-19 là đòn bẩy để kinh tế số Việt Nam đi nhanh, “đi tắt”

 

Phát triển kinh tế số được xem là xu hướng tất yếu mang tính toàn cầu trong thời đại 4.0. Phát triển kinh tế số là ứng dụng công nghệ số, các dữ liệu có sẵn để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Tại đây, các doanh nghiệp sẽ liên tục đổi mới quy trình sản xuất, thay thế kinh doanh truyền thống sang mô hình hoạt động theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại cho đến cách sử dụng để đạt được mục tiêu tăng trưởng và nâng cao năng suất lao động của doanh nghiệp. Chính đại dịch COVID-19 vừa đổ bộ vừa rồi đã trở thành đòn bẫy để kinh tế số Việt Nam đi nhanh, đi tắt.

 

Nguồn: cungcau.vn

 

Kinh tế số - xu thế mới thời đại 4.0

 

Trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thương mại điện tử đã dẫn dắt xu thế phát triển kinh tế số tại Việt Nam. Chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nền kinh tế này, khi đang có hơn 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh, 70% thuê bao sử dụng 3G, 4G và hơn 68% người Việt xem video mỗi ngày qua thiết bị di động. 72% người Việt truy cập các trang thương mại điện tử qua điện thoại, mua hàng online chiếm đến 53% con số đó. 

 

Vào cuối năm 2019, doanh thu bán lẻ của nước ta đạt mức 211 tỷ USD, doanh thu thương mại điện tử chiếm 4,92% thị phần bán lẻ. Trong một khoảng thời gian ngắn, thương mại điện tử tại Việt Nam đã bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 25% đến 30% mỗi năm, dự tính sẽ đạt mốc 50 tỷ USD chiếm khoảng 12% thị trường bán lẻ trong nước đến năm 2025. Với những con số thực tế này, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xác định rằng kinh tế số sẽ là động lực, là đòn bẩy tăng trưởng kinh tế của nước ta trong thời gian tới.

 

Nguồn: cungcau.vn

 

Thật vậy, trong những tháng đầu năm 2020, với những tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế số đã phát triển vượt bậc hơn cả. Kinh tế số đi nhanh, đi tắt và trỗi dậy vô cùng mạnh mẽ trong thời gian qua. Ngày nay, công nghệ số đã và đang xuất hiện mọi lúc, mọi nơi. Các sàn thương mại điện tử, ứng dụng ăn uống và giao nhận, dịch vụ vận chuyển hay quảng cáo trực tuyến,... đều được tích hợp công nghệ số, khiến cho nhu cầu của con người được đáp ứng nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả hơn.

Rào cản thanh toán - trở ngại lớn của nền kinh tế số

 

Sau khi dịch bệnh được nhà nước khống chế, việc đẩy nhanh kinh tế số trong ngắn hạn và dài hạn chính là việc làm cấp thiết để phục hồi kinh tế sau những ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên rào cản thanh toán của thương mại điện tử đã trở thành thách thức mà nền kinh tế số Việt Nam phải đối mặt.

 

Nguồn: idtvietnam

 

Trong thời gian trước, để các hộ gia đình làm quen với kinh tế số là khá khó khăn. Dù rất nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ bổ sung, tích hợp các công cụ thanh toán hiện đại để tạo sự tiện dụng cho khách hàng, nhưng thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng (COD) vẫn lên đến 95,1%. Đây thực sự là con số đáng để chúng ta suy nghĩ - khi đa số người Việt vẫn lựa chọn việc thanh toán thủ công thay vì thanh toán trực tuyến. Vì người dân không thay đổi, nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thể hưởng lợi từ thanh toán điện tử.

 

Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương thì thói quen sử dụng tiền mặt trong tiêu dùng của người Việt còn phổ biến. Mặc dù doanh số thương mại điện tử ở Việt Nam tăng nhưng nhưng tỷ lệ giao dịch trực tuyến chưa đáng kể. Hình thức trả tiền mặt khi nhận hàng sẽ có khả năng làm "xói mòn" sự tin tưởng giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, là trở ngại lớn cho sự phát triển của thương mại điện tử. Bởi lẽ, giữa bên bán và bên mua đều tồn tại vấn đề nghi kỵ về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, các vấn đề sau bán hàng như bảo hành, đổi trả… dẫn đến khả năng thành công trong giao dịch thương mại giảm.

 

Nguồn: Genk

 

Covid-19 - Cú hích cho nền kinh tế số

 

Sự lây lan của dịch bệnh đã thực sự trở thành “đòn bẩy” để quá trình số hóa nền kinh tế diễn ra nhanh hơn. Mua sắm và thanh toán trực tuyến đẩy mạnh, các lớp học, những cuộc họp online được ứng dụng nhiều hơn, mô hình chính phủ điện tử, phát triển các doanh nghiệp kỹ thuật số,.. nhằm giảm thiểu sự tiếp xúc không cần thiết đã giúp kinh tế số có sự phát triển nhảy vọt trong thời gian qua. Chính Covid-19 đã làm thay đổi suy nghĩ và nhận thức của nhiều hộ gia đình. Họ nhận ra thanh toán điện tử thông qua điện thoại di động có thể trở thành công cụ hữu ích trong việc chuyển tiền, dễ thực hiện và an toàn. 

 

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nếu các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, hiệu quả và năng suất có thể tăng thêm khoảng 30%. Tuy nhiên trên thực tế, việc chuyển đổi này còn gặp nhiều khó khăn - khi trên thực tế, số lượng doanh nghiệp chuyển đổi số thành công chỉ chiếm khoảng 50%.

 

Nguồn: Genk

 

Nhiều chuyên gia đã đánh giá rằng, thương mại điện tử đã dẫn dắt xu thế phát triển kinh tế số; nếu không có thương mại điện tử thì nhiều doanh nghiệp đã “chết yểu” trong đợt dịch bệnh vừa qua. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng nên khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số trong thời gian này. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp lưu thông luồng hàng hóa và dịch vụ trên thị trường. 

 

Dịch bệnh giúp Chính phủ Việt Nam có cái nhìn mới về vai trò của thương mại điện tử, từ đó đưa ra nhiều phương thức nhằm phát huy tiềm năng của công nghệ. Ngoài những tác động tiêu cực, Covid-19 cũng mang lại cho nước ta nhiều cơ hội mới trong việc thúc đẩy chuyển đổi số. Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia World Bank Việt Nam đã cho biết: “Đây là thời điểm để Việt Nam đẩy nhanh các cải cách quan trọng để cải thiện khả năng chống chịu của đất nước đối với các đại dịch trong tương lai. Chính cuộc khủng hoảng COVID-19 mà chúng ta được hưởng nhiều lợi ích từ các cải cách”.

 

Nguồn: baodautu.vn

 

Giải pháp cứu tinh mùa dịch

 

Chính những tác động tiêu cực mà đại dịch Covid-19 mang lại đã phần nào khẳng định việc tổ chức kinh doanh dựa trên nền tảng số hoặc khởi nghiệp dựa trên các mô hình số sẽ là giải pháp cứu nguy cho nhiều doanh nghiệp. Theo báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á của Google và Bain & Company năm 2019, kinh tế số của Việt Nam sẽ tăng trưởng dẫn đầu khu vực Đông Nam Á với con số 38%, dự kiến đạt mức 43 tỷ USD vào năm 2025.

 

Hiện nay, Việt Nam có hơn 800.000 doanh nghiệp, cuối năm 2020 dự kiến sẽ tăng hơn 200.000 doanh nghiệp nữa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cần tiến hành chuyển đổi số trong thời gian tới, bởi đây sẽ là yếu tố sống còn của doanh nghiệp trong cuộc cách mạng 4.0. Các mô hình kinh doanh truyền thống nên “khẩn trương” dịch chuyển lên mô hình lấy công nghệ làm nền tảng để phát triển. Nên chú trọng việc xây dựng nền tảng, thể chế cho các mô hình kinh doanh kinh tế số; tích cực sửa đổi và bổ sung các quy định cho các ngành mới như tài chính số, ngân hàng số, thương mại điện tử,... Liên tục cải cách để thu hút đầu tư cho các công nghệ số trong các lĩnh vực đầu tư mạo hiểm như mua cổ phần, hoạt động góp vốn, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp công nghệ số.

Nguồn: petrotimes

 

Các doanh nghiệp cũng nên chú trọng đến việc phát triển hạ tầng kết nối, phát triển dịch vụ internet di động 5G, tăng băng thông internet quốc tế và đầu tư mở rộng mạng lưới cáp quang tốc độ cao; các cấp cao hơn cần tập trung xây dựng dữ liệu quốc gia và đảm bảo an ninh thông tin trên không gian mạng. Đặc biệt cũng nên chú trọng đào tạo nguồn nhân lực thương mại điện tử, công nghệ thông tin, an ninh mạng, truyền thông,... chuyên nghiệp để chuẩn bị tốt cho quá trình chuyển đổi sản xuất và việc làm trong nền kinh tế sối. Tròn House tin rằng, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ chuyển mình, tạo ra một làn sóng kinh tế số mạnh mẽ, góp phần mang lại những bứt phá vượt bậc trong kinh tế, chính trị và xã hội.

 

 

Đọc thêm: 

Dịch vụ chụp hình ảnh sản phẩm thương mại điện tử

  CÁC THƯƠNG HIỆU THỜI TRANG VIỆT NAM NÊN LÀM GÌ TRONG MÙA DỊCH COVID-19?

MUA SẮM ONLINE TĂNG MẠNH GIỮA DỊCH COVID-19

 


Nguồn tham khảo: Nhipcaudautu

TRÒN HOUSE