Thương mại điện tử Việt Nam: Hái quả ngọt sau những năm miệt mài “đốt tiền”

 

Sau nhiều năm hết gọi vốn lại đốt tiền, đốt tiền lại gọi vốn, đến nay các trang thương mại điện tử Việt Nam đã “trưởng thành”, kinh doanh ổn định và có dấu ấn rõ ràng trong lòng khách hàng hơn.

 

iPrice phối hợp cùng SimilarWeb, App Annie và YouNet Media đã tiến hành khảo sát, thực hiện báo cáo tổng kết hoạt động của các sàn thương mại điện tử Việt Nam năm 2019 và nhận định rằng năm 2020, thị trường này đang “dần trưởng thành hơn về nhiều mặt”.

 

Các thành công đầu tiên

 

Khi phân tích hành vi khách hàng, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng có đến 45% người dùng truy cập vào các sàn thương mại điện tử bằng cách gỡ trực tiếp địa chỉ website vào trình duyệt, thay vì tìm kiếm một cách hời hợt, tổng quát thông qua Google và các bài quảng cáo như trước đây. Con số này cao hơn nhiều mức trung bình toàn cầu là 27,49%, theo dữ liệu năm 2019 của SimilarWeb. 

 


Source: iPrice Group

 

Giai đoạn educate người dùng của các sàn thương mại điện tử đã “thành công rực rỡ”. Thương mại điện tử là một trong những ngành được quan tâm nhất trên mạng xã hội năm 2019, thu hút hàng triệu lượt thảo luận hàng tháng. Điều này phần nào phản ánh được mức độ phổ biến của việc mua sắm trực tuyến tại Việt Nam. 

 

Như vậy, sau nhiều năm miệt mài “đốt tiền”, thị trường thương mại điện tử đã hái được những quả ngọt đầu tiên. Mua sắm trực tuyến trở thành khái niệm quen thuộc với người tiêu dùng hơn. Sự cạnh tranh về giá cả, chất lượng sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng, giao hàng giữa các sàn thương mại điện tử cũng nâng cao hơn để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

 


Source: NHD

 

Không phải ai cũng có thể trụ vững

 

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể trụ vững sau “cuộc chiến đốt tiền” khốc liệt. Chỉ trong năm 2019, có đến 4 tên tuổi nổi tiếng dừng cuộc chơi thương mại điện tử dù trước đây từng thể hiện tham vọng rất mạnh mẽ: Lotte.vn, Adayroi, Robins.vn và VuiVui. Sang đến đầu năm 2020, sàn thương mại điện tử hàng hiệu Leflair cũng rơi vào khủng hoảng, không thể tiếp tục hoạt động, nợ tiền hàng loạt nhà cung cấp và đang đứng trước nguy cơ phá sản.

 

Còn trụ vững và dẫn đầu thị trường năm vừa qua là “Fantastic Four” Shopee, Sendo, Tiki và Lazada. Theo Top 4 ứng dụng thương mại điện tử được sử dụng nhiều nhất năm 2019 tại Việt Nam của iPrice thì “bộ tứ” này đã duy trì phong độ và sức hút vững vàng suốt cả năm qua, bất chấp cạnh tranh với các ứng dụng ngoại mới xuất hiện và được tải nhiều như SHEIN và Wish.

 

 

Source: iPrice Group

 

Sau nhiều năm xuất hiện và phát triển tại Việt Nam, bản thân Shopee, Tiki, Sendo và Lazada cũng đã trưởng thành hơn thời kỳ sơ khai rất nhiều. Lúc ban đầu, “big four” này có sự cạnh tranh về khuyến mãi và những sự kiện mua sắm giống hệt nhau. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, mỗi sàn thương mại điện tử đã có định hướng và lối đi, chiến lược cho riêng mình.

 

Số liệu từ báo cáo cho thấy, Shopee Việt Nam tiếp tục dẫn đầu cả năm 2019 về lượng truy cập website, đạt trung bình 33,6 triệu lượt mỗi tháng. Theo sau lần lượt là Lazada, Tiki và Sendo.

 

Với hỗ trợ tài chính từ công ty mẹ SEA ở Singapore, Shopee cạnh tranh tốt ở mọi mặt trận. Họ giới thiệu tính năng Shopee Live trong tháng 3, quảng bá với Cristiano Ronaldo vào tháng 9, tổ chức Shopee Show vào tháng 11 và hợp tác giao hàng nhanh với Grab trong tháng 12.

 

Theo iPrice, trong bối cảnh SEA đạt doanh thu năm 2019 tăng 152% so với năm ngoái thì Shopee chắc hẳn sẽ còn tiến xa hơn. Mới đầu năm nay, Shopee đã giới thiệu tính năng Shopee Feed mà theo họ là sẽ “cung cấp các tính năng mang tính xã hội cho người dùng như tạo nội dung để tương tác với bạn bè, người mua hàng và người bán hàng”.

 

Lazada dành phần lớn năm cho các hoạt động mua sắm kết hợp với giải trí như Lazada Super Show, gameshow Đoán Giá, đại nhạc hội năm mới Lazada Countdown. Vì đa phần các hoạt đọng này chỉ có cho di động và ở ngoài trời nên Lazada tuy xếp hạng nhì về lượng người sử dụng ứng dụng nhưng chỉ xếp hạng 5 về lượng truy cập website.

 

Tiki chọn cách “chậm mà chắc” khi hướng đến gia tăng trải nghiệm người dùng bằng việc ra mắt tính năng TikiLIVE và phát triển hệ thống kho bãi, giao hàng nhanh. Nhờ những hoạt động vững chắc, chiến lược rõ ràng, Tili nhận được khá nhiều thiện cảm của người dùng. Trước đó, theo báo cáo từ Nielsen, Tiki sở hữu chỉ số NPS (chỉ số đo lường mức độ hài lòng của khách hàng) cao nhất trong ngành thương mại điện tử Việt Nam suốt 5 tháng liên tục, từ tháng 9/2019 đến tháng 1/2020.

 

Cuối cùng, Sendo tập trung chủ yếu vào chiến lược thu hút người dùng mới. Từ quý I sang quý II, lượng truy cập website của Sendo tăng đến 24%. Đồng thời, ứng dụng di động của Sendo cũng xếp hạng 2 về số lượt tải về trong quý II và quý III năm ngoái.

 

Các thách thức

 

Tuy đã thu về những vinh quang bước đầu, nhưng thách thức tiếp theo cho các công ty là làm sao để khiến người tiêu dùng tiếp tục mua nhiều và thường xuyên hơn mà không cần cạnh tranh về giá. Nếu thực hiện được điều này, áp lực “đốt tiền” mới được giảm bớt, khả năng tăng trưởng bền vững và cải thiện lợi nhuận được nâng cao lên.

 

 

Source: iPrice Group 

 

Để làm được điều đó, các sàn thương mại điện tử này phải trân trọng, nâng niu khách hàng hơn nhằm tăng độ trung thành và khả năng chịu chi của họ. Đó là lý do tại sao cả 4 sàn thương mại điện tử đều tung ra tính năng livestream trên ứng dụng, song song với việc phát triển cơ sở hạ tầng và cạnh tranh về giao hàng nhanh từ 3 giờ xuống còn 2 giờ, thậm chí 1 giờ.

 

Một chuyên gia nhận định rằng, các sàn thương mại đang manh nha tạo ra những giá trị mới, thực chất hơn nhằm giữ chân khách hàng, đồng thời giảm lệ thuộc vào các chương trình khuyến mãi như trước đây. Có làm như vậy thì các sàn thương mại này mới có thể tiếp tục tăng trưởng và có lợi nhuận lâu dài. 

 

Sau một năm 2019 đầy sôi nổi và nhiều biến động với kẻ đến người đi, các sàn thương mại điện tử cuối cùng cũng gặt hái được thành quả đầu tiên sau những năm ròng rã đốt tiền. Tuy nhiên 2020 này mới thực sự quyết định sức mạnh và tiềm lực của các sàn thương mại điện tử này đến đâu, có tạo được dấu ấn cho riêng mình không, đặc biệt là giữa tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến như hiện tại.

 

 

 

Nguồn báo cáo:  Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam by iPrice Group

Nguồn bài viết tham khảoThương mại điện tử thay đổi ra sao sau nhiều năm 'đốt tiền'

XEM THÊM:

Mở ra cơ hội thanh toán online khi tiền mặt bị cách ly giữa dịch bệnh

Dịch vụ đi chợ onine bùng nổ giữa dịch Covid-19

Mở ra cơ hội thanh toán online khi tiền mặt bị cách ly giữa dịch bệnh

 TRÒN HOUSE