TỪ CHUYỆN ADAYROI ĐẾN XU HƯỚNG STARTUP CÔNG NGHỆ: RÓT TIỀN LÀ THÀNH CÔNG?

 

Ngày 17/12 vừa qua, Vingroup chính thức thông báo đóng cửa sàn thương mại điện tử Adayroi, Vinpro giải thể và “ông trùm” này sẽ rút chân khỏi mảng bán lẻ Việt Nam. Dù được “chống lưng” bởi tập đoàn lớn nhất cả nước, Adayroi và cả Vinpro vẫn không thể thành công trong thị trường khắc nghiệt này. Tương đồng với startup công nghệ, chúng ta đã chứng kiến sự ra đời rồi sụp đổ nhanh chóng của hàng loạt công ty dù được rót vốn đầu tư khá khủng. Liệu có cơ hội thành công cho các công ty startup công nghệ trong thời buổi cạnh tranh như hiện nay không, cùng Tròn House tìm hiểu nhé!

 

Năm 2014, ngay khi thương mại điện tử vừa nhen nhóm phát triển, Vingroup đã nhanh tay tham gia vào thị trường này với khoản đầu tư khoảng 50 triệu USD để thành lập công ty VinEcom. Với mong muốn đứng đầu mọi ngành, Vingroup đã có những hoạt động “thần tốc”, mạnh mẽ. 

Tháng 8/2015, Adayroi ra đời, Vingroup mở cuộc “truy quét” rộng lớn khi chiêu mộ tất cả nhân tài từ các công ty thương mại điện tử khác như Lazada, Zalora, VCCorp, VNG,... Sau đó là hàng loạt chiến dịch lớn cùng những hoạt động bán hàng mạnh mẽ của Adayroi phủ sóng khắp mọi nơi.

Tuy nhiên sau 4 năm, Adayroi dần chùn chân và im hơi lặng tiếng khi bị lấn át bởi các công ty bán lẻ trực tuyến hàng đầu hiện nay như Shopee, Tiki, Sendo,... Dù được rót vốn đầu tư khủng từ khi thành lập nhưng Adayroi cũng không thể phát triển và cạnh tranh trong thị trường khó nhằn này. Và kết cục đáng buồn là Adayroi đã phải đóng cửa, biến mất khỏi thị trường thương mại trực tuyến.

 

adayroi startup cong nghe

Tương tự với Adayroi, ngày nay cũng có khá nhiều công ty startup, mà cụ thể là startup công nghệ gặp tình trạng “sớm nở tối tàn”. Dù được hỗ trợ từ những nhà đầu tư máu mặt cùng ngọn lửa đam mê nhiệt huyết trong mình, nhưng chỉ sau vài năm, các công ty startup này nhanh chóng thất bại, thua lỗ nặng nề và cuối cùng là phải gác lại giấc mơ dang dở. Vậy đâu là lý do của những thất bại này?

 

Cạnh tranh thị trường

Thị trường chỉ có bấy nhiêu mảng, chiếc bánh chỉ có chừng đó phần, nhưng người muốn nhảy vào tham gia thì ngày càng đông. Mỗi mảng đều có những ông trùm cầm đầu và vài đối tượng sừng sỏ theo sau như mạng xã hội có Facebook, Instagram, bán hàng trực tuyến có Amazon, Alibaba, ứng dụng đặt xe có Uber, Grab,... Quả ngọt đều đã có người hái, những khách hàng tiềm năng đều bị các ông lớn thu hút. Chậm chân đến sau, bạn sẽ rất khó lôi kéo khách mới và thay đổi thói quen của họ từ trước đến nay.

Những thị trường cơ bản đều bị cạnh tranh đủ đường, mong muốn xây dựng một hệ thống dịch vụ trực tuyến rộng khắp dường như là không thể. Tiếp tục dấn thân chỉ khiến bạn như con thiêu thân đang lao vào ngọn đèn. Gapo và Lotus hình thành với ước mơ là mạng xã hội “made in Việt Nam”, do chính người Việt phát triển. Tuy nhiên người dùng Việt lại không mấy mặn mà với những “newbie” này khi đã có vô số mạng xã hội khác như Facebook, Twitter,... và đến nay, hai mạng xã hội kể trên vẫn chưa có những có thành công nổi bật hay dấu ấn đặc biệt với cộng đồng.

 

adayroi startup cong nghe

Cách duy nhất tạo khác biệt chính là khởi nghiệp ở những thị trường còn mới mẻ. Xe điện và xe tự lái, máy bay không người lái là những làn sóng công nghệ mới đang được nhiều công ty đổ xô nghiên cứu. Vingroup đóng cửa Adayroi cũng để tập trung nguồn lực cho mảng này với những sản phẩm như xe điện Klara. Tuy nhiên, startup mảng này đòi hỏi số vốn khổng lồ, vô cùng lớn mới có thể thực hiện khi chi phí để phát triển những công nghệ này không phải là con số nhỏ. Những công ty tầm cỡ như Tesla Motors của vị tỷ phú Elon Musk mới dám mạnh tay cho mảng công nghệ đốt tiền khủng này.

 

Chật vật khi phát triển độc lập

Kể cả khi bạn khám phá một mảng mới hoàn toàn, cũng vô cùng khó khăn để phát triển độc lập và đưa bản thân vươn tầm phát triển. Các công ty lớn sẽ nhanh chóng đề nghị mua lại công ty hoặc ứng dụng vừa mới gây tiếng vang. Nếu đồng ý, bạn sẽ mất quyền kiểm soát và lãnh đạo của mình khi phải nghe theo sự chỉ đạo của công ty chủ quan. Còn nếu từ chối và tự tin sẽ tự thân phát triển, đây hẳn sẽ là bài toán khó nhất cuộc đời bạn. Dù không mua được các doanh nghiệp startup, công ty lớn vẫn có khả năng phát triển những ứng dụng, công nghệ tương tự và đổ tiền tiếp thị để nhanh chóng thu hút hết khách hàng tiềm năng.

Snapchat đã từ chối lời đề nghị trị giá 3 triệu USD của Mark Zuckerberg để tự mình phát triển với công chúng. Facebook sau đó phát triển ứng dụng và cho ra mắt các tính năng giống hệt Snapchat trên Instagram. Kết quả là đến nay, Instagram có 1 tỷ người sử dụng mỗi ngày và thu hút khách hàng bởi những filter khuôn mặt giống Snapchat từng phát minh ra, nhưng Snapchat ngày nay chỉ có 200 triệu người dùng mỗi ngày.

 

adayroi startup cong nghe

Công ty khởi nghiệp cần số vốn lớn

Vốn đầu tư khi startup luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu và khiến các nhà khởi nghiệp đau đầu. Đam mê nhiệt huyết thì không thiếu, chỉ thiếu tiền đầu tư khi các hoạt động chỉ để đặt những nền tảng ban đầu chứ chưa thể sinh lời. Nếu may mắn được một vài nhà đầu tư quan tâm và góp vốn đầu tư, bạn sẽ đỡ gánh lo phần này. Tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ không thể góp vốn mãi nếu công ty không có những thành công nhất định.

Facebook, Amazon hay Google khởi nghiệp từ 10 và 20 năm trước, khi chi phí dành cho các hoạt động còn thấp và ít cạnh tranh. Chỉ với số vốn khiêm tốn, họ đã nhanh chóng thu về lợi nhuận trong một vài năm sau đó. Nhưng câu chuyện đó giờ đây đã khác.

Khi các nhà đầu tư nhận ra tiềm năng của startup, đặc biệt là các công ty công nghệ độc quyền, họ nhanh chóng đổ xô đầu tư với mong muốn chiếm lĩnh thị trường với mong muốn trong tương lai thu được nhiều lợi nhuận. Nhưng với thời đại 4.0, không còn gì là độc quyền nữa, đặc biệt trong ngành công nghệ. Bất cứ thị trường nào bắt đầu có tiềm năng đều sẽ có nhiều người muốn tham gia, thị trường ngày càng cạnh tranh hơn và lợi nhuận thu về cũng dần thấp hơn. Do đó, bạn sẽ cần số vốn đủ lớn để tồn tại, đấu tranh với những đối thủ khác cùng ngành.

 

adayroi startup cong nghe

Tuy gặp vô số khó khăn với những báo cáo thua lỗ triền miên, tại sao nhiều người vẫn ôm giấc mộng và các nhà đầu tư lớn vẫn mạnh tay rót tiền để các startup đốt tiền không thương tiếc? Để tìm hiểu điều này, hãy liên hệ với những công ty đã thành công để có cái nhìn cụ thể hơn.

 

Thương mại điện tử là một thị trường khó nhằn với đầy rủi ro. Xu hướng của khách hàng là tìm kiếm những sản phẩm chất lượng với mức giá thấp và miễn phí vận chuyển. Họ có nhiều lựa chọn giữa các sàn thương mại khác nhau, nơi nào rẻ hơn thì mua nơi đó. Do đó, các công ty luôn phải áp dụng nhiều chính sách giảm giá và chuyển hàng miễn phí để chiều lòng khách hàng. Sự hài lòng của khách hàng chính là sự đau lòng của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp đứng đầu thương mại điện tử Việt Nam cũng chính là những doanh nghiệp lỗ nhiều nhất và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Đứng đầu danh sách thua lỗ là Lazada. Theo báo cáo tài chính từ đại diện, doanh nghiệp này lỗ lần lượt 997 tỷ đồng năm 2015, 1.019 tỷ đồng năm 2016 và đến cuối tháng 3/2018, mức lỗ của Lazada đã lên đến 2.150 tỷ đồng.

Shopee tuy sinh sau đến muộn nhưng cũng có khoản lỗ khổng lồ từ những hoạt động marketing vang dội và các đợt sale mạnh tay của mình. Năm 2016, vừa gia nhập vào Việt Nam nên Shopee chỉ lỗ 160 tỷ đồng. Tuy nhiên sang 2017, khoản lỗ này lên đến 600 tỷ và đến năm 2018, mức lỗ tăng gấp 3 lần lên 1.900 tỷ.

Tiki “khiêm tốn” xếp thứ 3 trong danh sách này. Năm 2016, Tiki lỗ gần 179 tỷ đồng và đến năm 2018, con số này là 760 tỷ đồng. Tuy lỗ với số tiền khổng lồ từ từ hàng trăm đến nghìn tỷ đồng nhưng các doanh nghiệp này vẫn tiếp tục hoạt động và phát triển nhờ sự hẫu thuẫn của các ông lớn phía sau.

 

adayroi startup cong nghe

Năm 2018, tập đoàn Alibaba đã chi ra 2 tỷ USD để sở hữu 86% cổ phần của Lazada và rót thêm 2 tỷ USD nữa cho sàn thương mại điện tử này.

Tuy số thua lỗ ngày càng tăng nhưng SEA - công ty mẹ của Shopee vẫn tiếp tục cuộc đua thương mại điện tử khi rót thêm 50 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2018.

Sau hàng loạt hoạt động gọi vốn từ năm 2012, đã có vô số công ty đổ tiền đầu tư vào Tiki. Tháng 5/2016, VNG đã rót vào Tiki 17 triệu USD để lấy 38% cổ phần. Các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng chi cho Tiki khoảng 54,5 triệu USD, trong đó STIC Investment đầu tư khoảng 10 triệu USD. Cuối năm 2017, Tiki tiếp tục nhận được khoản đầu tư lớn từ JD.com - đại gia thương mại lớn của Trung Quốc. Các phi vụ rót vốn triệu đô này đã giúp JD.com và VNG trở thành hai cổ đông lớn nhất của Tiki.

 

adayroi startup cong nghe

Lỗ nhiều nhưng vẫn không tiếc tay đầu tư nhiều. Tại sao các ông lớn này lại mạo hiểm như vậy? Có lẽ là do những tầm nhìn vươn xa và tham vọng vẫn còn đang ấp ủ.

Quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ, đặc biệt người trẻ thường tiếp cận Internet nhanh, nhất là qua smartphone. Bên cạnh đó, chi phí sở hữu điện thoại di động thông minh ngày càng thấp cho phép nhiều tầng lớp dễ dàng tiếp cận công nghệ, chi phí data internet cũng rất thấp. Đây chính là những lý do khiến các nhà đầu tư coi Việt Nam là một thị trường tiềm năng và tiếp tục tin tưởng, nuôi hy vọng. 

Ngoài ra, Việt Nam còn được xem là một trong những thị trường bán lẻ lớn nhất thế giới với tốc độ phát triển mạnh. Sự xâm nhập của các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị chưa cao, nhất là ở những tỉnh, thành phố nhỏ. Vì số lượng dân cư dàn trải đều nên nếu các thương hiệu muốn xâm nhập thị trường theo cách truyền thống là mở cửa hàng rồi xây dựng hệ thống phân phối thì chi phí sẽ vô cùng cao. Do đó, thương mại điện tử sẽ giúp các nhà bán hàng tiếp cận thị trường nhanh chóng và dễ dàng hơn. Sự đa dạng sản phẩm cùng hàng loạt ưu đãi, khuyến mãi cũng giúp khách hàng có nhiều lựa chọn hơn các kênh bán lẻ truyền thống. Với các ông lớn, Việt Nam là thị trường “xứng đáng để đầu tư”. Do đó, dù thua lỗ chồng thua lỗ, nhưng những phi vụ rót vốn tỷ đô vẫn được thực hiện ngày qua ngày.

Bên cạnh đó, hàng loạt những hoạt động marketing rầm rộ, những đợt sale khủng của các sàn thương mại không phải để tăng doanh số bán hàng mà để thâu tóm khách hàng thị trường. Tệp khách hàng càng lớn, doanh số trong tương lai sẽ càng cao và có thể cho phục vụ cho những mục đích khác. Do đó, các trang thương mại điện tử này chấp nhận thua lỗ với mong muốn lấy lòng khách hàng, dành hết khách hàng của đối thủ. Và các nhà đầu từ cũng tiếp tục rút vốn với cùng hy vọng này.

 

Nhưng liệu, sẽ rót vốn đến bao giờ đây?

 

adayroi startup cong nghe

"Startup công nghệ” - một cụm từ mang giấc mơ và hoài bão của nhiều người, đặc biệt là những người trẻ độc lập, muốn tự phát triển và khẳng định mình. Tuy nhiên ở thời đại này, giấc mơ sẽ chết nếu không có vốn đầu tư. Và vốn đầu tư để duy trì cũng có hạn, không thể khiến công ty phát triển nếu không có những sản phẩm hoặc hoạt động độc đáo, bứt phá vượt trội. Những nhà khởi nghiệp cần có chiến lược cùng các kế hoạch bài bản, cụ thể để khẳng định mình với cộng đồng. Nếu bạn cần một người đồng hành trên con đường khởi nghiệp gian truân, hãy để Tròn House đồng hành cùng bạn nhé!

 

 

Xem thêm:

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA VISUAL CONTENT VÀ CONTENT WRITING TRONG CHIẾN LƯỢC MARKETING

UNIQLO ĐÃ ĐỒNG HÀNH CÙNG SLOGAN “MADE FOR ALL” NHƯ THẾ NÀO?

BÍ QUYẾT CHỤP HÌNH SẢN PHẨM GIÚP DOANH SỐ BÁN HÀNG TĂNG VÙN VỤT

TRÒN HOUSE