Local Brand - Vì sao thời trang nội địa thành công?

  Nội dung bài viết:

    I. Doanh nghiệp nước ngoài bị kìm chân

    II. Local Brand - Thay đổi cách tư duy trong kinh doanh

    III. Khẩu hiệu “Người Việt dùng hàng Việt”

 

Trong những năm trở lại đây, với sự ra nhập của các thương hiệu thời trang toàn cầu như Zara, H&M,...khiến cho các hoạt động khởi nghiệp, mở rộng quy mô của các công ty thời trang Việt Nam ngày càng sôi động. 

 

Mặc dù có một vài công ty khởi nghiệp biến mất hoàn toàn sau một thời gian phát triển nhanh chóng. Nhưng bên cạnh đó, rất nhiều thương hiệu mới ra đời với tư duy và cách kinh doanh mới được nhiều khách hàng ưa chuộng. 

 

Theo khảo sát của Asia Plus - một công ty nghiên cứu thị trường vào năm 2017, giới trẻ Việt Nam chi tiêu khá nhiều cho các mặt hàng thời trang. Trong đó, 26% người mua sắm quần áo 2 -3 lần mỗi tháng, còn 52% còn lại thường chỉ mua sắm một lần mỗi tháng. 

 

Ước tính giá trị tiêu thụ mặt hàng dệt may tại Việt Nam đạt khoảng 5 - 6 tỷ USD (tương đương 120.000 - 140.000 tỷ đồng) mỗi năm. Tuy nhiên thực tế chỉ ra rằng, con số này có thể còn lớn hơn vì thị trường xuất hiện nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng nhái, xách tay,...được tiêu thụ mạnh. 

 

Local Brand - Vì sao họ thành công?

 

Chính vì thế mà Local Brand càng được ưa chuộng vì việc hàng giả, nhái hầu như không xuất hiện. Một số thương hiệu Local Brand thời trang Việt Nam nổi tiếng hiện nay có thể kể đến Ivy Moda, NEM, DinCox, Teelab, Bitis, Hanoi Rios, Canifa...Các thương hiệu này được đánh giá cao về giá cả, mẫu mã và chất lượng của sản phẩm. 

 

Doanh nghiệp nước ngoài bị kìm chân: Mặc dù thị trường Việt Nam là một thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, việc mở rộng thị phần tại đây thực tế lại không hề dễ dàng đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Khi mà họ bị “kìm chân” vì đánh giá sai thị trường Việt Nam cho dù đã gặt hái được nhiều thành công tại các thành phố lớn như Hà Nội, HCM,...

 

Sự “kìm chân” đó có thể dễ dàng nhận thấy ngay từ việc các thương hiệu nước ngoài đang cố “vươn chân” ra các tỉnh thành khác tại VIệt Nam và mở rộng thị trường bán lẻ. 

 

Doanh nghiệp nước ngoài bị kìm chân

 

Nếu tại các thành phố lớn - nơi tập trung đông đúc dân số, người có thu nhập cao thì sản phẩm của các thương hiệu như Zara, H&M, Tokyolife,...được cho là có mức giá trung bình và khách hàng có thể chi trả được. Thì, tại các tỉnh thành khác tại Việt Nam, mức giá này được coi là quá cao và sản phẩm không phù hợp thị hiếu của đại đa số người Việt. 

 

Hành trình vươn xa ra thị trường tiềm năng càng khó khăn hơn khi người tiêu dùng vẫn đang ưa chuộng các sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc hàng nhái các thương hiệu lớn. 

 

Local Brand - Thay đổi cách tư duy trong kinh doanh:

Bên cạnh việc loay hoay tìm cách vươn xa ra các thị trường tỉnh lẻ tại Việt Nam của các cách thương hiệu nước ngoài thì có vẻ Local Brand lại tiếp cận dễ dàng hơn chút. 

Có thể nhận thấy, các thương hiệu Local Việt Nam ngày càng phát triển và mở rộng hơn trong vài năm trở lại đây. Họ đã có bước tiến mới trong cách tư duy kinh doanh, nắm vững thị hiếu và đặc điểm của người tiêu dùng so với việc chủ yếu dựa vào dự đoán và dữ liệu như trước. 

 

Local Brand - Thay đổi cách tư duy trong kinh doanh

Lấy một ví dụ điển hình về Canifa - thương hiệu thời trang đình đám với hệ thống cửa hàng trải dài trên khắp Việt Nam. Trước sự xuất hiện của các thương hiệu quốc tế, Canifa không coi đó là thách thức mà cho rằng đây là cơ hội để họ tìm hiểu về dịch vụ, tiếp cận cách vận hành cửa hàng. Canifa nói không với việc bắt chước mô hình kinh doanh của các thương hiệu đình đám và muốn tạo ra sự khác biệt. 

Nếu so với các thương hiệu nổi tiếng như Zara, H&M đã khẳng định được vị thế cũng như hình ảnh thương hiệu trước đó thì Canifa luôn bắt đầu từ những thứ cơ bản nhất. Canifa lựa chọn mức giá phù hợp với số đông và chú trọng vào độ bền của sản phẩm. 

Nếu các bộ sưu tập của thương hiệu nước ngoài chú trọng nhiều đến màu sắc, sự bắt mắt thì Canifa lại lựa chọn hướng đi hoàn toàn mới: Sản phẩm vẫn bắt kịp xu hướng thời trang nhưng có tuổi thọ lâu hơn. Marketing hình ảnh sản phẩm đẹp là một lợi thế nhưng Canifa muốn thể hiện giá trị và đặc tính bền bỉ từ chất liệu.

Một ví dụ khác về Ivy Moda, thương hiệu thời trang hướng tới phân khúc cao hơn thì lại phát triển theo hình thức khác. Trên thế giới các thương hiệu thời trang lớn sẽ thường tổ chức các show diễn với sự góp mặt của nhiều khách mời, các Fashionista nổi tiếng tham dự. 

Tuy rằng hình thức này còn khá lạ lẫm nhưng Ivy Moda đã mang các show diễn thời trang này về Việt Nam. Hình thức này đã trở thành một cách marketing sản phẩm,  giao lưu, tiếp cận khách hàng, đối tác hiệu quả. 

Khẩu hiệu “Người Việt dùng hàng Việt”: Khẩu hiệu này là khẩu hiệu đã xuất hiện từ vài chục năm trước. Cho tới nay, khẩu hiệu này đã “tái xuất” khi giới trẻ Việt ngày càng coi trọng hơn đến sự phát triển của kinh tế nước nhà. 

Có thể nói, sự gia tăng mạnh mẽ của nhiều loại thương hiệu thời trang nước ngoài nổi tiếng mang đến sức hấp dẫn không thể phủ nhận đối với người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. 

Nếu trước đây, phần đa bạn trẻ sẽ nghĩ rằng “dùng đồ hiệu là thể hiện sự đẳng cấp” thì so với hiện nay, các bạn trẻ là sinh viên, học sinh - những người còn đang phải phụ thuộc vào sự trợ cấp của gia đình lại ưa chuộng các Local Brand hơn. 

Đầu tiên là về mức giá, giá sản phẩm Local Brand thấp hơn rất nhiều so với thương hiệu thời trang lớn từ nước ngoài. Thứ hai, do sự đầu tư về hình ảnh, chất lượng, mẫu mã của các thương hiệu Việt đã chinh phục được khách hàng. 

Thứ ba chính là việc khẳng định vị thế, thương hiệu của Local Brand. Ai nói Local Brand không “chất”? Ai nói Local Brand không “sành điệu”? Bạn có thể cho họ xem các thương hiệu Việt như Hanoi Riot, The Collector, BOBUI,...

 

Khẩu hiệu “Người Việt dùng hàng Việt”

Không ở đâu xa, ngay tại nước bạn Trung Quốc, giới trẻ Trung hiện đang ngày càng chuộng các thương hiệu thời trang trong nước hơn là nước ngoài. 

Một phần nguyên do đến từ sự đa dạng về mẫu mã cũng như giá cả thấp. Nhưng phần lớn vì họ cho rằng bằng cách mua hàng nội địa, họ đang hỗ trợ nền kinh tế của Trung Quốc thành một quốc gia siêu cường. Thậm chí, họ còn có “ngày Thương hiệu Trung Quốc” tổ chức vào 10/5 hàng năm. 

Sự thành công của Local Brand đến từ nhiều yếu tố. Nhỏ thì đến từ sự thay đổi của giới trẻ. Lớn hơn thì chính là nhờ cách thức quảng bá sản phẩm, tập trung vào hình ảnh, việc thấu hiểu thị trường và nhu cầu của khách hàng. 

Tuy nhiên, thị trường ngày càng thay đổi, nhiều Local Brand “chết” ngay khi vừa mới xuất hiện. Vì vậy việc chủ quan và ngủ quên trên chiến thắng rất dễ dẫn đến thất bại nên việc cẩn trọng nên được đặt lên hàng đầu. 

Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn sâu rộng hơn về thị trường Việt Nam cũng như các Local Brand hiện nay. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết. 

 

 

 

Xem thêm:

VÌ SAO PHẢI ĐẦU TƯ HÌNH ẢNH - XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU RIÊNG

BÍ QUYẾT CHỤP HÌNH TÚI ĐEO CHÉO ĐẸP

CONCEPT CHỤP HÌNH ẢNH VALI - TUỔI TRẺ LÀ ĐỂ KHÁM PHÁ

TRÒN HOUSE