Chạy theo trào lưu bán hàng online khi không sẵn sàng, có thể khiến doanh nghiệp đánh mất bản sắc thương hiệu

 

Sau những ngày căng thẳng do virus Corona bùng phát khắp nơi, nhiều cửa hàng, nhà hàng đã rầm rộ phong trào chuyển từ kinh doanh offline sang kinh doanh online. Tuy nhiên, trên thực tế, việc nhiều doanh nghiệp chạy theo trào lưu mà không có sự chuẩn bị, làm không tới, “nửa vời” thì việc chuyển đổi này không mang tới hiệu quả và quá vội vã. Nhiều doanh nghiệp nghĩ rằng họ phải chuyển hướng sang kinh doanh online, nhưng liệu trong thực tế thì việc chuyển đổi này có thật sự cần thiết? 

 

Nguồn: doopage

 

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thói quen mua sắm của rất nhiều người tiêu dùng đã thay đổi. Nhiều người vào khoảng thời gian trước khá dè dặt khi mua hàng trên mạng thì hiện nay đã cảm thấy mua hàng online rất dễ dàng và tiện lợi. Việc chuyển hướng chiến lược kinh doanh, đẩy mạnh các kênh phân phối online nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm thời dịch của các doanh nghiệp đã mang tới nhiều phản hồi tích cực. 

 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần xác định nhu cầu này chỉ mang tính “thời kỳ” nhằm ứng phó với dịch bệnh; về lâu dài thì kinh doanh online vẫn không thể thay thế cho kinh doanh offline. Chưa kể đến chuyện nếu chưa chuẩn bị kiến thức kỹ càng và đầu tư đúng chỗ, việc chuyển hướng kinh doanh có thể khiến sản phẩm của doanh nghiệp đến tay khách hàng không được trọn vẹn.

 

Nguồn: congthuong.vn

 

Người sáng lập Interlock Brand Agency kiêm Chủ tịch Học viện Thương hiệu Plato - ông Nguyễn Đức Sơn đã đăng tải lên Facebook cá nhân của mình giải thích lý do vì sao không chuyển sang đào tạo online. Ông cho rằng ông chỉ muốn dạy offline để giữ gìn sự toàn vẹn của mô hình đào tạo đã đưa ra từ khi sáng lập: tư vấn dự án. Rõ ràng việc tư vấn chiến lược online sẽ khiến khách hàng khó cảm nhận trọn vẹn những gì ông tư vấn hay trình bày. Ông Sơn cho biết, khi đã chọn mô hình nào thì ông vẫn sẽ kiên định với mô hình đó đến cùng trong khâu thực thi, kể cả khi dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến hết năm. 

 

Nguồn: vgcloud

 

Trong giới chuyên gia thương hiệu tại Việt Nam, ông Nguyễn Đức Sơn là người có uy tín và nổi tiếng với sự kiên định trong triết lý kinh doanh. Là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực đào tạo chuyên sâu về thương hiệu, ông hiểu rõ tầm quan trọng của chất lượng giảng dạy hay tư vấn chiến lược. Dù dịch bệnh khiến việc tạm dừng hoạt động của học viện gây nhiều áp lực cho vị chủ tịch này, song ông vẫn không vội vã chuyển đổi sang hướng đào tạo trực tuyến. Ông chia sẻ rằng: "Tôi chưa sẵn sàng thay đổi mô hình sang đào tạo online vì bản thân chưa thấy vui vẻ và có động lực. Bản thân chưa thấy thích thì theo tôi khó làm xuất sắc. Tôi thích làm xuất sắc". Ông muốn đặt chất lượng giảng dạy và đào tạo lên hàng đầu, mang đến trải nghiệm trọn vẹn và đầy đủ nhất cho mọi học viên của mình, quyết không để hoàn cảnh tạm thời tác động và mang tới những sản phẩm qua loa đại khái.

 

Nguồn: getapp

 

Có lẽ cơn bão Covid-19 trong những ngày qua đã làm lung lay gốc rễ của rất nhiều doanh nghiệp - khi hàng trăm công ty đua nhau chuyển hướng sang kinh doanh online. Chính sự tác động của dịch bệnh, xu hướng mua sắm mới của khách hàng đã khiến doanh nghiệp phải đứng trước sự lựa chọn: nên giữ vững gốc rễ kinh doanh ban đầu và kiên nhẫn chờ hết dịch hay tận dụng thời cơ chuyển hẳn sang mô hình kinh doanh online? Nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh chịu áp lực nặng nề từ tiền thuê mặt bằng, nhân viên,... mà đã vô tình bị làm “mờ mắt”, vội vàng chuyển hướng sang kinh doanh online dù còn thiếu nhiều kiến thức cần thiết về mô hình này. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp lại gồng mình chống chọi lại khó khăn, chờ đợi thời cơ để tiếp tục phát triển mô hình kinh doanh truyền thống.

 

Pizza 4P's là chuỗi cửa hàng đông khách. Trước thời điểm dịch bệnh bùng phát, Pizza 4P’s không nhận giao hàng về nhà cho khách, bởi họ muốn bán sản phẩm kèm sự trải nghiệm văn hóa độc đáo khi tới nhà hàng. Tuy nhiên, vì những hạn chế của dịch bệnh, chuỗi cửa hàng này cũng đã phải thay đổi để thích ứng với những nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, theo những chuyên gia marketing F&B, việc cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà của Pizza 4P’s chỉ mang tính ứng phó với tình hình dịch bệnh. Đây không phải là một giải pháp kinh doanh chủ yếu và lâu dài của chuỗi cửa hàng này.

 

Nguồn: Pizza 4P's

 

Starbucks cũng giống Pizza 4P's, gốc rễ mô hình kinh doanh của họ là mang tới cho khách hàng những trải nghiệm văn hóa doanh nghiệp độc đáo. Tới Starbucks, thưởng thức một ly cà phê thơm ngon trong không gian yên tĩnh, sang trọng và ngắm nhìn các nghệ nhân pha chế cà phê biểu diễn mới là tinh thần và mục tiêu của chuỗi quán cà phê này. Chính vì thế, Starbucks không tin việc bán hàng online có thể thay thế hoàn toàn cách thức kinh doanh hiện tại của họ, khi giao hàng về nhà khiến những sản phẩm của họ đến tay khách hàng thiếu tinh thần và không trọn vẹn.

 

Nguồn: nbcnews

 

Giai đoạn dịch bệnh có thể sẽ là cú trượt ngã xuống nước bất ngờ với nhiều doanh nghiệp. Nếu cuống và vội vàng dùng sức, bạn chắc chắn sẽ chết ngạt. Điều cần bạn cần làm là lấy bình tĩnh để tìm cách ngoi lên mặt nước. Nhiều doanh nghiệp đã không để mình bị cuống, dẫn đến mất sức và chạy theo trào lưu bán hàng online. Để có thể chuyển đổi mô hình kinh doanh này, doanh nghiệp của bạn cần đầu tư rất nhiều để làm tới nơi tới chốn, xem trọng và chú tâm vào nó; bởi chính việc chạy theo trào lưu khi doanh nghiệp chưa sẵn sàng có thể khiến bạn đánh mất bản sắc thương hiệu. 

 

Nguồn: cafeland

 

Ông Thắng - chủ của quán phở gia truyền nổi tiếng 49 Bát Đàn có chia sẻ rằng sẽ không bao giờ chuyển hướng sang kinh doanh online làm chủ yếu. Bán hàng qua mạng chỉ là giải pháp bổ sung khi tình trạng dịch bệnh trở nên căng thẳng vì một bát phở mang về nhà khó có thể giữ nguyên vẹn hương vị như thưởng thức tại quán.

 

Có thể công nghệ hiện nay phát triển mạnh, kèm theo đó dịch bệnh Covid-19 là chất xúc tác khiến nhiều doanh nghiệp muốn chuyển hướng sang kinh doanh online. Tuy nhiên, để có thể từ bỏ gốc rễ doanh nghiệp ban đầu để thành công trong một mô hình mới là điều không hề dễ dàng. Bạn cần phải sẵn sàng trang bị đầy đủ mọi cơ sở vật chất, nhân lực và sản phẩm giao đến tận tay khách hàng; không thể thành công khi làm “nửa vời”, thiếu sự đầu tư tới nơi tới chốn.

 

 

Đọc thêm: 

 Dịch vụ chụp hình ảnh sản phẩm thương mại điện tử

 TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN QUẢNG CÁO TRỰC TUYẾN TRONG THỜI ĐẠI CÔNG NGHỆ VÀ INTERNET BÙNG NỔ

 THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ CÓ KHÁ NĂNG TĂNG TRƯỞNG ĐỘT PHÁ NHỜ VÀO ĐẠI DỊCH COVID-19

 

TRÒN HOUSE

Nguồn tham khảo: CafeF